Ung thư gan là “sát thủ” hàng đầu về sức khỏe ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Người nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C, xơ gan… có nguy cơ diễn biến thành ung thư gan.
Theo tiến sĩ Ngô Chí Cương – trưởng chuyên khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ung thư gan chỉ đứng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Trong đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư gan như mắc các bệnh mãn tính vi rút viêm gan B, viêm gan C và xơ gan.
“Khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải sống chung với vi rút lâu dài. Đến nay, bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý, theo dõi và điều trị là hành trình kiên trì, bền bỉ.
Thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B có tác dụng ức chế vi rút HBV, qua đó làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển dẫn tới xơ gan, ngăn ngừa viêm gan B lây truyền sang người khác, cũng như hạn chế các biến chứng cho bệnh nhân.
Nếu được phát hiện sớm thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị triệt căn như ghép gan, phẫu thuật cắt gan, nhưng đáng tiếc là nhiều trường hợp chủ quan đi khám ở giai đoạn muộn.
Lúc này khối u gan kích thước lớn, hoặc xâm lấn di căn nên việc điều trị là vô cùng khó khăn và ít hiệu quả. Mục đích điều trị chỉ còn là kéo dài sự sống cho người bệnh bằng các phương pháp như nút mạch, hay điều trị đích…”, tiến sĩ Cương nêu.
3 cách phòng chống viêm gan B
– Từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai có vi rút viêm gan B nên thực hiện tiêm phòng vắc xin viêm gan vi rút B cho trẻ ngay sau sinh và thực hiện tiêm các mũi tiếp theo theo phác đồ tiêm 0-1-6-18 tháng tuổi.
– Qua quan hệ tình dục: Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, khi quan hệ có sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm vi rút viêm gan từ bạn tình.
– Phòng ngừa lây truyền qua đường máu: Tuyệt đối không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, lược, bấm móng tay, bơm kim tiêm… với người khác để tránh bị lây nhiễm.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Cương cũng lưu ý về chế độ ăn uống và luyện tập. Người dân nên tránh thức uống có cồn như bia, rượu; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh; tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
Đặc biệt, cần tầm soát sớm ung thư gan định kỳ. Bởi bệnh viêm gan B diễn biến thầm lặng, ít biểu hiện ra ngoài nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã ở cấp độ nặng.
Tiến sĩ Cương cũng khuyến cáo những người có tiền sử viêm gan vi rút B, C, nghiện rượu, đặc biệt bệnh nhân xơ gan do rượu, béo phì, nhiễm độc Aflatoxin… nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm những tổn thương bất thường trong gan.
Ngoài ra, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải… cũng cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn.
Sau khi có chẩn đoán xác định mắc bệnh, hoặc giai đoạn bệnh, người dân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để quản lý sức khỏe lá gan tốt nhất.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.