Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có trên 182.000 ca mắc ung thư mới, trong đó có những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung chỉ mới 15 tuổi. Tuy nhiên, cũng có tới 60% bệnh ung thư được chữa khỏi bằng phẫu thuật đơn thuần.
Đây là chia sẻ của ông Phạm Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, trong hội thảo ung thư Việt – Pháp “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư” diễn ra ngày 2-11 tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie – Bệnh viện K, cơ sở y tế chuyên khoa ung thư đầu tiên ở Việt Nam.
Nguyên nhân gì?
Ông Bình cho hay ước tính mỗi năm Việt Nam có trên 182.000 ca ung thư mới mắc, 122.000 ca tử vong, 350.000 ca bệnh nhân sống với ung thư. Số ca mắc ung thư ngày càng gia tăng và xu hướng ung thư ngày càng trẻ hóa.
“Trước kia, nhiều nghiên cứu cho rằng một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đó là lão hóa. Thế nhưng hiện nay chúng tôi phát hiện những bệnh nhân mắc ung thư từ khi còn rất trẻ. Có những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung từ khi 15 tuổi; bệnh nhân ung thư đại trực tràng chưa đến 20 tuổi và có những trường hợp ung thư vú rất sớm từ 20 tuổi”, ông Bình nêu.
Về nguyên nhân trẻ hóa ung thư, ông Bình nhận định có thể do nhiều yếu tố tác động, trong đó lối sống ảnh hưởng rất nhiều như béo phì, thuốc lá, rượu bia, ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng. Bên cạnh đó, có thể do gene, do các loại vi khuẩn vi rút gây bệnh không được tầm soát phòng bệnh như viêm gan B, vi rút HPV, vi khuẩn HP…
“Ung thư đang là gánh nặng của hiện tại và cả tương lai, vì vậy cần làm sao để phòng bệnh và chẩn đoán ung thư sớm hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
60% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật
Theo ông Bình, trong lĩnh vực ung thư là điều trị đa mô thức: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dinh dưỡng và các phương pháp khác. Trong đó, phẫu thuật đã, đang và sẽ vẫn là một trong những phương pháp mang tính chất triệt căn lớn nhất. “Với 200 loại bệnh ung thư được thống kê thì có tới 60% trong số đó có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu được chẩn đoán sớm. Đặc biệt, phẫu thuật trong ung thư đang được kế thừa và phát triển. Từ mổ mở, trong suốt 100 năm qua Bệnh viện K đã hoàn thiện và thực hiện những phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoàn chỉnh như phẫu thuật nội soi 2D, 3D và đặc biệt là phẫu thuật robot.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết thêm để có thể điều trị ung thư chỉ bằng phẫu thuật đơn thuần, điều kiện quan trọng nhất là phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn này việc phẫu thuật sẽ lấy toàn bộ tổn thương ung thư, xử lý triệt để căn nguyên.
Còn các phương pháp khác như điều trị hóa – xạ trị, nhưng đây là những phương pháp bổ trợ. Với sự phát triển của các phương pháp điều trị ung thư ngày càng phát triển, tỉ lệ điều trị khỏi, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ngày càng cao.
Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư
Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho hay hiện nay với những phương pháp điều trị ung thư hiện đại, không chỉ dừng lại điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Các bác sĩ kết hợp những biện pháp phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị hóa – xạ trị giảm tác dụng phụ…
Từng phẫu thuật tạo hình “3 trong 1” cho bệnh nhân mắc ung thư vú từ năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện K vừa đảm bảo điều trị ung thư, vừa giữ gìn vẻ đẹp nữ tính cho bệnh nhân. Bác sĩ Lê Hồng Quang – trưởng khoa ngoại vú – cho hay bệnh nhân ung thư vú được cắt tuyến vú, sử dụng vạt da cơ mỡ để tái tạo vú bị cắt bỏ, nâng sa trễ.
Hay tháng 9-2022, Bệnh viện K trở thành bệnh viện đầu tiên trên cả nước phẫu thuật robot cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Trước đó, mổ mở tuyến giáp là phương pháp kinh điển được áp dụng trong ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài ở vùng trước cổ gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân, đặc biệt là những phụ nữ trẻ.
Việc phẫu thuật robot qua tiền đình miệng có nhiều ưu điểm, nhất là đảm bảo thẩm mỹ, giảm sang chấn, không chảy máu, giảm đau tối đa và phục hồi nhanh chóng. Những tiến bộ trong điều trị bệnh đang giúp bệnh nhân ung thư tin tưởng và lạc quan hơn trong quá trình điều trị.
Ai cần tầm soát ung thư sớm?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực tầm soát ung thư sớm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ trưởng đề nghị các bệnh viện, đơn vị cần tăng cường tầm soát ung thư sớm, tuyên truyền người dân khám sớm.Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.