8 cách chữa lành đường ruột

Bổ sung lợi khuẩn probiotic, uống đủ nước, tránh căng thẳng và thực phẩm gây viêm hỗ trợ chữa lành đường ruột.

Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh cần thiết để tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Cải thiện sức khỏe tiêu hóa, cân bằng vi khuẩn góp phần giảm triệu chứng đầy hơi, táo bón, tiêu chảy…

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột như chế độ ăn uống, không dung nạp thực phẩm, lối sống, hormone, giấc ngủ, căng thẳng, thuốc. Các yếu tố này tác động đến cách cơ thể tiêu hóa và đào thải thức ăn, gây ra nhiều vấn đề như đầy hơi, viêm, trào ngược, táo bón…

Một số cách dưới đây hỗ trợ cải thiện sức khỏe tiêu hóa, chữa lành đường ruột.

Sử dụng probiotic: Bổ sung vi khuẩn có lợi trong ruột giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật. Probiotic hỗ trợ hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng vào máu.

Probiotic là vi sinh vật sống (vi khuẩn tốt) cư trú trong ruột, có nhiều trong thực phẩm chứa men vi sinh như nấm sữa kefir, sữa chua, dưa muối, kim chi… Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh, bảo vệ niêm mạc ruột trong trường hợp cần thiết.

Prebiotic: Đây là nhiên liệu cho vi khuẩn có lợi sinh sôi trong ruột. Tăng cường tiêu thụ prebiotic (một loại chất xơ) lành mạnh cải thiện niêm mạc ruột non.

Uống nhiều nước: Mỗi người nên uống khoảng hai lít nước lọc và chất lỏng hàng ngày để quá trình phục hồi đường ruột thuận lợi hơn. Nước góp phần loại bỏ độc tố và chất thải, thúc đẩy nhu động ruột. Quá trình hydrat hóa (bổ sung phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ) khi uống nước tác động tích cực đến niêm mạc ruột. Thay nước bằng các loại trà thảo mộc, nước pha chanh, nước ép trái cây… giúp bớt đầy hơi, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.

Người thường xuyên táo bón hoặc nhu động ruột chậm nên uống thêm trà xanh nhằm giảm rối loạn tiêu hóa, nhuận tràng.

Tránh thực phẩm gây viêm: Rượu bia, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện. Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, chất làm ngọt nhân tạo hoặc hương vị, ít chất dinh dưỡng… khiến triệu chứng tiêu hóa và viêm nhiễm trở nặng hơn. Đường, chất làm ngọt nhân tạo có thể tăng lượng đường trong máu, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh.

Viêm mạn tính là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh như viêm khớp, bệnh tim, ung thư. Hệ vi sinh càng khỏe mạnh càng có tác dụng tốt hơn trong điều hòa tình trạng viêm khắp cơ thể.

Chế độ ăn lành mạnh giúp chữa lành đường ruột. Ảnh: Freepik

Chế độ ăn lành mạnh giúp chữa lành đường ruột. Ảnh: Freepik

Giảm căng thẳng: Căng thẳng tâm lý, môi trường lạnh, nhiệt độ quá cao, tiếng ồn, thiếu ngủ, gián đoạn nhịp sinh học, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột. Một số cách quản lý căng thẳng như thiền, tập thở sâu, thư giãn cơ bắp.

Thiết lập thói quen ngủ lành mạnh, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngủ ít nhất 6-7 giờ mỗi đêm có thể tăng sức khỏe tiêu hóa, giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Ruột và não được kết nối chặt chẽ. Mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột liên quan đến lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Cải thiện sức khỏe đường ruột hỗ trợ bộ não khỏe mạnh, tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Tập thể dục: Hoạt động thể chất giúp tinh thần vui vẻ, giảm mỡ và cholesterol trong cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng năng lượng để kích thích chức năng đường ruột, hỗ trợ nhu động ruột, cải thiện hệ vi sinh vật.

Ít hoạt động thể chất là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây táo bón. Vận động cơ thể để di chuyển ruột, tránh táo bón, đầy hơi.

Ăn thức ăn ấm: Thói quen thưởng thức đồ ấm như nước dùng, súp ấm, nước ấm giúp tiêu hóa dễ dàng, nhất vào mùa lạnh. Các loại nước dùng, súp giàu protein, collagen, axit amin nuôi dưỡng hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Không lạm dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng lạm dụng, dùng không theo chỉ định của bác sĩ dễ dẫn đến kháng kháng sinh, hại hệ vi sinh vật đường ruột và khả năng miễn dịch.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *