Báo tin dữ ung thư cho người trẻ

Việc thông báo về một căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, có thể rất căng thẳng đối với thanh thiếu niên, thanh niên cũng như cha mẹ của họ. “Đây là một dấu mốc sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người trẻ và gia đình.

HÀ NỘIGần 12h đêm, chiếc xe cứu thương đỗ sập trước cửa, chuyển đến một nam sinh nguy kịch do tắc ruột, các chỉ số sinh tồn giảm đi nhanh chóng.

Nhận thông tin, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện K (trưởng kíp trực), điều động nhân lực sẵn sàng tiếp nhận. Bỗng, anh khựng lại khi đọc dòng chẩn đoán trong bệnh án: “19 tuổi, tắc ruột, nghi ngờ ung thư đại tràng“.

“Trẻ quá”, anh thốt lên, song bác sĩ Nam không có nhiều thời gian để chần chừ. Anh nhanh chóng lấy lại tinh thần, yêu cầu chuẩn bị phòng mổ để giải quyết tình trạng tắc ruột trước.

Kíp gây mê bắt tay vào việc. Máu, dịch truyền, băng gạc, thuốc, dao, kim chỉ… sẵn sàng cho cuộc “giao chiến với tử thần”. Sau vài tiếng, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chuyển về khu hồi sức.

Nhìn chàng trai trẻ nằm thoi thóp trên giường bệnh, bác sĩ Nam căng thẳng, không biết nên báo tin cho người bệnh và gia đình thế nào. “Việc điều trị hiện tại cũng chỉ làm giảm đớn đau do căn bệnh đục khoét ngày đêm trên thân xác bệnh nhân chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn”, bác sĩ nghĩ.

Cuối cùng, anh nhắn gia đình bệnh nhân sang phòng riêng, thông báo cho họ về tình trạng nam sinh có khối u đại tràng bên phải, hạch to, nghi ngờ ung thư đại tràng di căn ổ bụng. Kết quả khiến hai phụ huynh gần như suy sụp. Anh căn dặn bố mẹ cần bình tĩnh, không nên báo tin dữ khi con đang điều trị, tránh gây sốc.

Trường hợp khác, nam 28 tuổi, đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội, không tự đi lại. Kết quả chụp chiếu phát hiện ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn, di căn gan, di căn màng bụng, “tiên lượng nặng nề”. Khi nhập viện, gia đình liên tục “cầu cứu” bác sĩ. Cuộc chiến giằng co hơn một tiếng đồng hồ, cuối cùng, bệnh nhân tiếp theo này thoát khỏi cửa tử.

“Nhìn những cặp mắt của người nhà đang cầu mong một tin tốt khiến tôi hụt hẫng và đau lòng tột độ”, bác sĩ nói. Anh chọn trao đổi trước tiên với người vợ, động viên chị vững vàng để làm chỗ dựa cho người bệnh.

Bác sĩ Hà Hải Nam và ê kíp đang phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Hà Hải Nam và ê kíp đang phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

“Breaking bad news”- một thuật ngữ trong tiếng Anh nghĩa là “thông báo tin xấu”, đóng vai trò quan trọng trong y học thế giới, đến mức có hàng trăm bài báo học thuật, hàng chục công trình nghiên cứu về chủ đề này, theo Stewart Dunn, giáo sư Y học Tâm lý tại Trường Y Sydney thuộc Bệnh viện Royal North Shore. Hành động báo tin xấu có thể khiến nhịp tim của bác sĩ tăng gấp đôi, khoảng 168 trong khi nhịp tim mức bình thường là khoảng 70. Công trình này cũng ước tính một bác sĩ ung thư sẽ thông báo khoảng 20.000 tin xấu trong sự nghiệp.

Việc thông báo về một căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, có thể rất căng thẳng đối với thanh thiếu niên, thanh niên cũng như cha mẹ của họ. “Đây là một dấu mốc sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người trẻ và gia đình. Đáng buồn lại là một biến cố cần rất nhiều nghị lực và sức mạnh để vượt qua”, bác sĩ Nam nói.

Đối với người bệnh, tin dữ mắc ung thư hoặc tiên lượng sống ngắn ngủi có thể khiến họ suy sụp, chán nản, cản trở thêm quá trình hồi phục hoặc khả năng sống sót của họ. Phản ứng của bệnh nhân và gia đình có thể chuyển từ buồn bã, khóc lóc tột độ, sốc đến hoài nghi, tức giận thậm chí buông bỏ sự sống.

Trong đó, nhóm người trẻ khi nhận tin dữ có xu hướng sốc dữ dội, tức giận, cảm giác như “cả tương lai đóng sập”, bác sĩ Nam nói. Nguyên nhân do họ ở độ tuổi không nghĩ đến ung thư và cho rằng đây là bệnh của người già, nhất là khi gia đình không có tiền sử mắc bệnh.

“Tuổi trẻ là giai đoạn nhiều hoài bão và ước mơ, càng khó chấp nhận khi biết cuộc sống bị rút ngắn, phụ thuộc vào bệnh viện. Họ cũng có nhiều mối lo hơn như sợ trở thành gánh nặng của gia đình”, bác sĩ cho hay.

Một nghiên cứu cũng cho thấy giao tiếp giữa nhân viên y tế với bệnh nhân ung thư kém, có thể khiến thể chất và tâm lý người bệnh tồi tệ hơn, bao gồm tuân thủ điều trị kém, nhầm lẫn về tiên lượng sống, đau đớn, thậm chí mất lòng tin ở bác sĩ.

Do đó, bác sĩ Nam luôn trao đổi với người nhà trước tiên để thấu hiểu tính cách, nhu cầu, tâm tư của bệnh nhân trước khi nói chuyện trực tiếp. Anh hạn chế dùng một số từ có thể gây xúc động như “ung thư, ác tính, di căn, tiên lượng xấu, không thể làm gì”… Bác sĩ chọn chia sẻ thông tin theo từng mức độ, tùy thuộc cảm xúc và thái độ đáp ứng của bệnh nhân. Cuối cùng, anh liên tục động viên để người bệnh có tâm lý vững vàng, lạc quan. Bác sĩ thường dẫn chứng ca bệnh điều trị khỏi, tiến triển tốt sau phẫu thuật giúp họ vững tâm hơn.

Nguyên tắc của bác sĩ là không giấu bệnh để bệnh nhân nắm được tình trạng của mình, từ đó có thời gian và sự chuẩn bị để điều trị bệnh hiệu quả. “Càng giấu diếm, người bệnh càng ngờ vực, nghi ngờ, đến khi biết sự thật thì dễ tức giận, không còn tin bác sĩ nữa”, anh nói.

Ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng và trẻ hóa. Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân do trình độ y khoa phát triển, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên, nhiều trường hợp ung thư được phát hiện sớm. Ngoài ra, tiếp xúc sớm với các tác nhân gây ung thư khiến cho tỷ lệ người trẻ mắc bệnh gia tăng. Ba tác nhân gây ung thư chính gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời…); tác nhân hóa học (phẩm nhuộm…); tác nhân sinh học (vi khuẩn HPviêm gan B…) có trong bia rượu, đồ ăn uống.

Lối sống lười vận động, ngồi văn phòng, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích… là những tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ khuyên người trẻ không nên chủ quan trước những dấu hiệu bất thường. Hiện mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều bệnh có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, mọi người không nên quá hoang mang bởi y học ngày càng phát triển, giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáptiền liệt tuyếnđại tràng

“Nhiều người nói tôi dại, tự nhiên chui vào ‘cái phễu’ hứng toàn bệnh nhân nặng nhất, suốt ngày báo tin xấu cho họ”, bác sĩ Nam chia sẻ. Song, bằng kinh nghiệm nhiều năm đúc kết, anh hiểu tin xấu không đơn giản là một lời nói. Đó là lòng thấu cảm về nỗi đau khổ của bệnh nhân cũng như cha mẹ họ, khả năng tưởng tượng ở vị trí người bệnh, nắm bắt được họ sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc thế nào khi nhận tin dữ. Cuối cùng, là cam kết tin tưởng, đồng hành cùng nhau trong cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *