Cách phòng ngừa ung thư vú tái phát

Tập thể dục, duy trì cân nặng ổn định, bổ sung vitamin D, giữ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, có thể giúp người bệnh ngừa ung thư vú tái phát.

Sau phẫu thuật điều trị ung thư vú, tùy từng người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp bổ trợ như hóa trị, điều trị nội tiết tố, liệu pháp nhắm mục tiêu HER2, xạ trị phòng tránh tái phát. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ung thư vú tái phát bệnh vào một thời điểm nào đó sau điều trị lần đầu.

BS.CKII Đỗ Thanh Huy Hoàng, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tình trạng tái phát có thể xảy ra ở ngực, hạch bạch huyết gần đó hoặc tái phát xa ở xương, gan, phổi, não… Bên cạnh dùng thuốc, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể phòng ngừa ung thư vú tái phát, cải thiện sức khỏe tổng thể bằng một số cách dưới đây:

Tập thể dục giúp cơ thể duy trì cân nặng ở mức cân bằng, không có mỡ thừa, giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Hoạt động thường xuyên còn tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh, tốt cho sức khỏe tổng thể. Người bệnh nên hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày, trong tối thiểu 5 ngày một tuần. Các hoạt động vừa phải như đi bộ 3-5 giờ mỗi tuần góp phần giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Người bệnh nên tìm người tập luyện cùng nhằm tăng hứng thú.

Các hoạt động khác cũng được khuyến khích như làm vườn, leo núi, đạp xe. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xã hội giúp người bệnh thư giãn, vui vẻ trong cuộc sống. Ngoài luyện tập thể dục, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh như tăng cường protein (thịt nạc), chất xơ, vitamin (rau, củ, trái cây…).

Bác sĩ Hoàng tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Hoàng tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bổ sung vitamin D có khả năng chống tái phát ung thư vú và cải thiện sức khỏe. Người bệnh nên bổ sung vitamin D từ thực phẩm, phơi nắng sớm trong khoảng 15 phút.

Chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng thực phẩm với đủ nhóm chất gồm đạm, vitamin, chất xơ, khoáng chất… giúp tăng cường sức khỏe tổng thể đẩy lùi ung thư. Các chất dinh dưỡng trong các loại rau lá xanh, đậu, táo, lê… giàu chất chống oxy hóa, có đặc tính chống ung thư. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, xưởng thịt nguội, trong chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư vú.

Giữ hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách ưu tiên thực phẩm giàu probiotics (lợi khuẩn). Các lợi khuẩn trong đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm cân, cải thiện tâm trạng, phòng ngừa ung thư vú tái phát. Chế độ ăn giàu chất xơ giúp đẩy chất thải trong hệ tiêu hóa và nuôi dưỡng lợi khuẩn.

Hạn chế uống rượu bởi đồ uống này có thể làm tăng nguy cơ tái phát, do rượu chứa nhiều chất kích thích, không tốt cho sức khỏe.

Cải thiện giấc ngủ gồm ngủ đủ giấc, ngủ ngon giúp người bệnh ung thư vú có tinh thần sảng khoái, cơ thể khỏe mạnh.

Giảm căng thẳng vì stress khiến cơ thể giải phóng hormone norepinephrine, kích thích hình thành mạch máu ở các khối u, đẩy nhanh quá trình di căn.

Các hoạt động tập thể dục, trò chuyện với người thân, yoga, thiền có tác dụng giảm căng thẳng. Nếu tình trạng căng thẳng không cải thiện, người bệnh nên gặp bác sĩ điều trị ung thư hoặc bác sĩ tâm lý để được tư vấn.

Bác sĩ Hoàng khuyên người bệnh ung thư vú sau điều trị nên tái khám định kỳ. Trường hợp người bệnh cảm thấy cơ thể có bất thường cũng nên tái khám để bác sĩ kiểm tra, điều trị kịp thời.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *