10 yếu tố nguy cơ gây ung thư

Ô nhiễm môi trường, di truyền, chế độ ăn uống chưa phù hợp, lối sống ít vận động, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư như vú, phổi, dạ dày

Ung thư xảy ra khi các tế bào trong cơ thể phân chia và phát triển mất kiểm soát. Tế bào ung thư không chết đi cũng không thực hiện như các tế bào bình thường. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào nhưng phổ biến ở vú, phổi, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, dạ dày, gan…

BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung Bướu, phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ung thư nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh gồm:

Di truyền: Cha mẹ mang các đột biến gene liên quan đến ung thư, có thể di truyền sang thế hệ con cái, làm tăng nguy cơ gây bệnh. Ung thư vú, đại tràng có khả năng di truyền cao hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả người mang đột biến di truyền đều mắc bệnh, khả năng còn liên quan đến các nhiều yếu tố nguy cơ khác như lối sống, thói quen, môi trường sống.

Hút thuốc lá: Thuốc lá có thể gây ung thư ở hầu hết cơ quan trong cơ thể gồm phổi, vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, tụy, gan, thận… Hóa chất độc hại trong khói thuốc làm hỏng DNA của tế bào, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của các tế bào. Nguy cơ mắc ung thư tăng còn tùy thuộc vào liều lượng, thời gian hút thuốc và loại thuốc lá. Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc thụ động góp phần giảm nguy cơ ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.

Bác sĩ khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa Tâm Anh TP HCM tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Chế độ ăn uống: Người có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng giữa các nhóm dưỡng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, ít mắc ung thư. Ngược lại, chế độ ăn uống không điều độ, không đúng bữa, bỏ bữa, ăn quá nhiều hoặc quá ít, thiếu chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, thực phẩm tẩm hóa chất, đồ nướng cháy, món ăn nhiều chất béo bão hòa, lạm dụng thịt chế biến sẵn, dễ sản sinh các chất độc hại gây ung thư. Mọi người nên hạn chế sử dụng dầu mỡ chiên rán và thay thế bằng các phương pháp chế biến thức ăn lành mạnh hơn như luộc, hấp, nướng…

Lối sống thiếu vận động: Ít vận động hay không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên dẫn đến béo phì, thừa cân. Đây là yếu tố làm tăng khả năng phát triển nhiều bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.

Sử dụng liệu pháp thay thế hormone: Bác sĩ Thanh cho biết phụ nữ sử dụng liệu pháp này có khả năng cao mắc bệnh ung thư vú và nội mạc tử cung.

Tác động từ môi trường: Người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều chất độc hại như asbestos, aflatoxin, thạch tín (sử dụng trong một số ngành công nghiệp) hoặc tiếp xúc nhiều với tia nắng mặt trời dễ mắc ung thư da và phổi hơn.

Nhiễm virus: Các loại virus HPV, virus viêm gan B, C, virus Epstein-barr, ký sinh trùng như sán lá gan… làm tăng nguy cơ bị ung thư gan, ung thư cổ tử cung,…

Tuổi tác: Người lớn tuổi có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn người trẻ. Bởi quá trình lão hóa khiến tế bào mất khả năng sửa chữa tổn thương, dễ hình thành tế bào bất thường. Quá trình cơ thể tiếp xúc với các tác nhân như vi khuẩn, virus trong một thời gian dài còn góp phần làm suy giảm khả năng phục hồi của tế bào, tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào bất thường tiến triển thành ác tính. Người lớn tuổi dễ mắc nhiều bệnh mạn tính như viêm dạ dày, polyp đại tràng, xơ gan, viêm gan… là các yếu tố tăng nguy cơ ung thư.

Uống nhiều rượu bia: Hóa chất độc hại trong rượu bia, nhất là acetaldehyde có khả năng làm hỏng DNA của tế bào, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của các tế bào ác tính. Người uống nhiều rượu bia có thể bị ung thư như vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, tụy, vú (ở phụ nữ), trực tràng… Người uống càng nhiều, trong thời gian dài, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Căng thẳng thường xuyên và kéo dài: Căng thẳng trong công việc và cuộc sống làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho tác nhân gây hại phát triển. “Căng thẳng kết hợp với lối sống thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý tạo điều kiện cho ung thư phát triển nhanh gấp nhiều lần”, bác sĩ Thanh nói.

Bác sĩ Thanh khuyên mỗi người nên giữ suy nghĩ tích cực, tinh thần ổn định, thay đổi lối sống khoa học, duy trì thói quen tốt góp phần rất lớn trong việc phòng và giảm nguy cơ ung thư.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *