Ung thư vòm họng giai đoạn đầu có triệu chứng không rõ ràng; có người bệnh nổi hạch cổ; khàn giọng, khó nuốt; dễ nhầm lẫn với bệnh viêm mũi họng.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi (Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, mặc dù không phổ biến như các loại ung thư gan, phổi, đường tiêu hóa nhưng ung thư vòm họng vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn, nhất là đối với người Trung Quốc và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Phòng ngừa, tầm soát giúp chẩn đoán và điều trị sớm ung thư vòm họng giai đoạn đầu có thể quyết định tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh.
Ung thư vòm họng được chia thành 5 giai đoạn, từ 0 đến IV. Ở giai đoạn đầu, khối u còn ở vòm họng, chưa di căn sang các vị trí khác. Theo bác sĩ Thảo Nghi, ung thư vòm họng giai đoạn đầu có các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm mũi họng thông thường. Chính vì vậy, giai đoạn này rất dễ bị bỏ sót.
Nổi hạch cổ có thể là biểu hiện của ung thư vòm họng giai đoạn sớm ở một số bệnh nhân. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau khi nuốt hoặc khó nuốt; đau tai, viêm tai giữa, ù tai, có thể giảm thính lực; đau họng hoặc ho dai dẳng; nổi hạch ở cổ, có thể kèm theo sưng đau hoặc không. Thay đổi giọng nói, nhất là khàn giọng hoặc nói không rõ ràng; chảy dịch mũi kéo dài, có thể là dịch trong, dịch màu, lẫn máu hoặc mủ; khạc đờm có máu, mủ… cũng là những triệu chứng đáng chú ý.
Ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường được điều trị theo phác đồ kết hợp xạ trị và hóa trị tùy vào tình trạng khối u cũng như di căn hạch. Bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ thêm, bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường có kết quả tốt, tỷ lệ sống trong 5 năm là 60-75%. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy hóa xạ trị đồng thời giúp mang lại kết quả điều trị tốt hơn, giúp bệnh nhân sống lâu hơn so với xạ trị đơn thuần. Nhưng kết hợp thêm hóa trị có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ hơn, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Trong những trường hợp vẫn còn hạch cổ sau khi kết thúc hóa xạ trị, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm mục đích lấy bỏ hạch cổ, giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Việt Nam thuộc vùng có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao. Bác sĩ khuyến nghị nâng cao phòng ngừa bằng cách duy trì lối sống lành mạnh về dinh dưỡng và vận động thể lực; tiêm phòng vaccine HPV; chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần hoặc mỗi năm một lần. Chủ động tầm soát ung thư vòm họng nếu có các yếu tố nguy cơ hoặc các dấu hiệu nghi ngờ bất thường về tai mũi họng.
Ung thư vòm họng là một trong những bệnh lý ung thư vùng đầu cổ (bao gồm ung thư vòm họng, thanh quản, mũi, xoang và miệng). Theo số liệu từ Globocan năm 2020, thế giới có khoảng 182.600 ca mắc mới ung thư hầu họng, ung thư hạ họng và khoảng 86.740 người tử vong do căn bệnh này.
Theo: Nguyên Phương (nguồn: vnexpress)