Các chuyên gia phát hiện sử dụng thuốc imatinib có thể tấn công vào loại protein trong phổi, ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư ngủ yên.
Nghiên cứu do Viện Ung thư London thực hiện, đăng tải trên tạp chí Nature Cancer, ngày 13/3. Các nhà khoa học đã phát hiện ra lý do các tế bào ung thư vú di căn đến phổi có thể “thức giấc” sau nhiều năm ngủ yên, hình thành các khối u thứ phát không thể chữa khỏi.
Theo nghiên cứu, các bệnh nhân ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen (ER+) – loại phổ biến nhất – có nguy cơ tái phát ung thư ở một bộ phận khác trong cơ thể nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau khi được chẩn đoán và điều trị ban đầu. Hiện có tới 80% số ca ung thư vú nguyên phát dương tính ER+.
Khi các tế bào ung thư lan từ khối u đầu tiên ở vú sang các bộ phận khác của cơ thể, nó được gọi là ung thư vú thứ phát hoặc di căn, có thể điều trị song không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nghiên cứu cho thấy những thay đổi phân tử xảy ra trong quá trình lão hóa là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của những khối u thứ cấp này.
Protein PDGF-C, có trong phổi, đóng vai trò chính trong việc khối u có tái phát hay không. Nếu mức PDGF-C tăng lên, thường xảy ra khi phổi lão hóa, khi mô tổn thương hoặc có sẹo, các tế bào ung thư không hoạt động có thể phát triển và chuyển thành ung thư thứ phát.
Các chuyên gia nhận ra rằng ngăn chặn hoạt động của PDGF-C có thể chặn đứng sự phát triển của khối u hay không.
Để làm điều này, trong thí nghiệm với chuột có khối u ER+, họ đã sử dụng loại thuốc có tên imatinib tấn công vào PDGF-C. Kết quả, ở những con chuột được điều trị bằng thuốc trước và sau khi khối u phát triển, tình trạng ung thư trong phổi giảm đáng kể. Imatinib đã được phê duyệt và sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính.
Giáo sư Clare Isacke, Khoa Sinh học Tế bào Phân tử tại Viện Nghiên cứu Ung thư London, nhận định đây là bước tiến thú vị trong việc tìm hiểu về ung thư vú giai đoạn cuối.
“Trong nhiều năm sau khi điều trị, phụ nữ lo sợ khối u ác tính quay trở lại. Khám phá thú vị này giúp chúng tôi tiến thêm một bước để làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư vú thứ phát ER+ trong phổi, hữu ích với hàng nghìn phụ nữ sống chung với ‘quả bom hẹn giờ'”, tiến sĩ Simon Vincent, giám đốc nghiên cứu, hỗ trợ tại Viện Breast Cancer Now, cho biết.
Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết có khoảng 61.000 người sống chung với ung thư vú di căn ở Anh.
Theo Medical Express/vnexpress.net