Ung thư tuyến tiền liệt đứng đầu trong số các bệnh ung thư ở nam giới, trên cả ung thư phổi và ruột kết – trực tràng. Để bảo vệ khỏi nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt hoặc tránh tái phát, chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng.
Ung thư tuyến tiền liệt là sự phát triển bất thường hay sự phát triển của tế bào ác tính trong tuyến tiền liệt, đặc biệt là ở phần chuyển tiếp của nhu mô tuyến tiền liệt. Đây là bệnh phổ biến nhất ở nam giới, tuổi tác và di truyền là những yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt.
Theo ThS.BS. Nguyễn Trần Thành, Phó trưởng Khoa Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều chất béo động vật, thịt đỏ, đường và thực phẩm chế biến sẵn. Người có cơ địa béo phì có thể tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thói quen ăn uống lành mạnh với những thực phẩm chất lượng có thể bảo vệ bạn ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Các thực phẩm này góp phần vào việc phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt, đồng thời hạn chế sự tiến triển của bệnh cũng như nguy cơ tái phát.
1. Đậu nành
Đậu nành được sử dụng dưới nhiều dạng như đậu phụ, sữa đậu nành, bột đậu nành,… nên rất dễ kết hợp được với nhiều loại thực phẩm khác.
Đậu nành giàu chất xơ, vitamin nhóm B, khoáng chất và protein. Đậu nành là một trong những loại thực vật chứa nhiều protein nhất. Ngoài ra, nó chứa isoflavone, phytoestrogen có thể làm giảm hoạt động của testosterone (một trong những hormone kích thích sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt) và có tác dụng chống viêm.
Người bị ung thư tuyến tiền liệt nên bổ sung đậu nành vào chế độ ăn uống khoảng 1 lần/tuần, sử dụng protein từ đậu nành thay thế cho protein từ thịt cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa các bệnh khác như ung thư tiêu hóa.
2. Các loại rau họ cải
Rau họ cải bao gồm rất nhiều loại rau quen thuộc thường được trồng vào mùa đông như bắp cải, cải thảo, súp lơ, cải xoăn, cải làn, củ cải, su hào, xà lách, cải xoong,… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại rau họ cải giúp bảo vệ chống lại bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ và nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt.
Cách nấu ăn tốt nhất để được hưởng lợi từ các phân tử chống ung thư của các loại rau này là hấp hoặc xào với thời gian nấu ngắn. Tránh nấu trong nước lâu sẽ làm giảm các chất dinh dưỡng có lợi trong các loại rau này.
3. Tỏi giúp giảm mức PSA ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt
ThS.BS. Nguyễn Trần Thành cho biết: Ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng đặc biệt, mơ hồ. Chủ yếu khi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện tuyến tiền liệt có dấu hiệu bất thường. Các trường hợp này thường được chỉ định xét nghiệm sinh hóa PSA để đánh giá nguy cơ ung thư ung thư tuyến tiền liệt. Chỉ số bình thường trong khoảng từ 0 – 4 ng/ml. Nếu chỉ số này lớn hơn 4ng/ml, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng dần theo chỉ số.
Theo nhiều nghiên cứu, việc tiêu thụ allium – một chất có trong tỏi – hàng ngày góp phần làm giảm mức độ PSA (protein được sản xuất bởi tuyến tiền liệt, mức độ được theo dõi để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt) dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư này. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên ăn khoảng 2-3 củ tỏi mỗi tuần để nhận được những lợi ích phòng chống ung thư.
4. Cà chua
Theo các nghiên cứu, chất lycopene có trong cà chua (giống như các loại trái cây khác như dưa hấu, ớt đỏ, bưởi…) sẽ bảo vệ khỏi nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Việc tiêu thụ nó hàng ngày cũng rất có ích đổi với các bệnh nhân ung thư vì lycopene làm chậm sự tiến triển của các khối u.
Ngoài ra, lycopene cũng giúp làm giảm khối lượng của tuyến tiền liệt và hạ thấp “điểm số” của IPSS – một công cụ để sàng lọc và theo dõi các triệu chứng liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt. Nên ăn cà chua đã chín được nấu hoặc làm nước sốt tốt hơn là ăn cà chua sống.