Ung thư thực quản là tình trạng các tế bào của thực quản phát triển bất thường và không kiểm soát. Dưới đây là các dấu hiệu khi mắc ung thư thực quản.
Thực quản là một thành phần của ống tiêu hóa, bao gồm miệng, họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng (ruột già), trực tràng, hậu môn.
Vai trò của thực quản đối với cơ thể
- Nuốt: Khi nhận được tín hiệu thức ăn hoặc chất lỏng tiến về phía nó, cơ thắt này sẽ giãn mở ra để thức ăn có thể đi vào thực quản. Tiếp đó, các đợt co thắt cơ (nhu động) nhịp nhàng sẽ đẩy thức ăn xuống dưới.
- Ngăn trào ngược dịch vị: Dịch vị là sản phẩm chế tiết của dạ dày, một hỗn hợp có tính acid mạnh bao gồm acid hydrochloric (HCl), các enzymes, muối kali và natri để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Sự tiếp xúc lâu dài của niêm mạc thực quản với dịch vị có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tại vùng này.
- Các chức năng khác là tống thải các chất từ dạ dày ra khỏi cơ thể qua các hoạt động nôn mửa, ợ hơi và phản xạ nôn trớ.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản
Ung thư thực quản có hai dạng là ung thư biểu mô tế bào gai (thường gặp ở thực quản đoạn trên và giữa) và ung thư biểu mô tế bào tuyến (thường gặp ở thực quản đoạn dưới). Các dạng khác ít gặp hơn bao gồm sarcoma, lymphoma, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, melanoma…
Đa phần ung thư thực quản phát hiện ở giai đoạn trễ, khiến điều trị khó khăn và tốn kém, từ đó ảnh hưởng đến tiên lượng sống của người bệnh. Phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư thực quản góp phần giúp người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh, kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là các dấu hiệu có thể cảnh báo ung thư thực quản:
1. Nuốt nghẹn, nuốt khó là triệu chứng thường gặp nhất, xuất hiện ở đa số trường hợp ung thư thực quản. Ban đầu người bệnh có thể bị nghẹn khi ăn các thức ăn dạng đặc như thịt, cá. Khi khối u phát triển gây hẹp lòng thực quản, người bệnh có cảm giác nghẹn tăng dần, ngay cả khi ăn các món dạng lỏng như canh, súp, cháo.
2. Sụt cân xuất hiện ở phần lớn trường hợp ung thư thực quản. Tình trạng sụt cân xảy ra trong thời gian ngắn dù người bệnh không áp dụng chế độ ăn kiêng nào. Sụt cân thường đi cùng tình trạng nuốt khó.
4. Tăng tiết nước bọt do thức ăn nghẹt tại thực quản, nước bọt không thể theo thức ăn xuống dạ dày. Người bệnh cảm giác có nhiều nước bọt trong họng và phải nhổ thường xuyên hơn.
5. Nôn ói có thể xảy ra trong hoặc ngay sau bữa ăn. Chất nôn ra là thức ăn không có dịch vị do chưa đến được dạ dày, có thể đi kèm ít máu. Khi bệnh diễn tiến nặng, nôn ói có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
6. Phân đen do máu chảy từ khối u thực quản đi qua đường tiêu hóa khiến phân có màu đen sậm như bã cà phê. Tình trạng này lâu dài dẫn đến thiếu máu, khiến người bệnh suy kiệt.
7. Ho kéo dài, ho ra máu thường là cơn ho mạn tính, dai dẳng, xuất hiện khi có nhiều chất nhầy dính trên thành thực quản. Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, ung thư phổi….
8. Khàn tiếng thường gặp khi khối u thực quản xâm lấn dây thần kinh quặt ngược thanh quản (điều khiển hoạt động dây thanh quản). Tình trạng khàn tiếng thường kéo dài, không có dấu hiệu giảm mặc dù người bệnh dùng các thuốc kháng viêm.
9. Khó tiêu, ợ hơi, ợ chua làm người bệnh đau, khó chịu ở vùng bụng trên hoặc cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ hơi, ợ chua… Các triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc hoặc riêng lẻ, thường xuất hiện sau khi ăn.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.