Tôi 40 tuổi, ngực sưng đau, chảy mủ, có mùi hôi, bác sĩ chẩn đoán áp xe ngực. Đây có phải là một loại ung thư không, điều trị thế nào?
Trả lời:
Áp xe ngực là khối nhiễm trùng nằm trong mô tuyến vú chứa mủ, gây đau, còn được gọi là viêm vú, xảy ra phổ biến ở phụ nữ cho con bú. Hầu hết áp xe ngực là lành tính. Phụ nữ không cho con bú nhưng có biểu hiện áp xe ngực, nhất là ở tuổi 35-50, nên đến bác sĩ khám để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm hơn như ung thư vú dạng viêm.
Phụ nữ bị áp xe ngực khi không cho con bú cũng cần được tầm soát bệnh tiểu đường mới khởi phát. Do tiểu đường mới khởi phát khiến đường huyết tăng, giảm thất thường dẫn đến suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm.
Áp xe ngực có thể hình thành do tuyến vú nhiễm trùng khi mẹ cho con bú. Vi khuẩn trên da hoặc miệng bé đi qua ống dẫn sữa đến tuyến vú dẫn đến nhiễm trùng gây áp xe. Thời gian khởi phát trung bình của tình trạng này ở phụ nữ cho con bú là khoảng 6 tuần sau sinh.
Áp xe ngực khi cho con bú cũng có thể do nhiễm vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus Aureus và loại Streptococcus sp. Vi khuẩn xâm nhập qua như vết cắt trên da ngực, nhũ hoa bị nứt, ống dẫn sữa tắc nghẽn… Phụ nữ không cho con bú và nam giới cũng có thể bị áp xe ngực do nhiễm trùng nhưng không phổ biến. Tình trạng này xảy ra do vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết cắt trên mô ngực, tụt nhũ hoa hoặc nhũ hoa bị nứt.
Triệu chứng áp xe ngực gồm đau, đỏ da quanh ngực, sưng tấy, da ấm, núm ngực tiết dịch… Khi không điều trị, người bệnh dễ bị nhiễm trùng với triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi…, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
Người bị áp xe ngực kéo dài hơn 24 giờ, nên đến bác sĩ khoa Ngoại Vú để được khám điều trị và kê thuốc. Nếu người bệnh được điều trị nhiễm trùng ngực bằng thuốc kháng sinh nhưng trong vòng hai ngày không bớt nên tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc và phương pháp chữa trị phù hợp.
Người bệnh nên đi bệnh viện ngay khi có triệu chứng nhiễm trùng ở cả hai ngực, xuất hiện mủ hoặc máu trong sữa mẹ, vệt đỏ trên hoặc gần vùng ngực viêm, viêm ngực đột ngột, sốt cao… Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng huyết, người bệnh có thể phải nhập viện cấp cứu để điều trị thêm.
Bạn nên đi khám để bác sĩ đánh giá cụ thể tình trạng và chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.