Các nguyên nhân dẫn đến ung thư gan thường được biết đến như viêm gan B hoặc C, gan nhiễm mỡ, xơ gan, một số bệnh gan di truyền, uống quá nhiều rượu…
Thế nhưng, ít ai biết rằng béo phì mới là yếu tố nguy cơ lớn gây ung thư gan, với sự gia tăng đáng kể các trường hợp trên toàn cầu, theo tờ Times Of India.
Tại sao mỡ thừa trong cơ thể có thể gây hại cho gan?
Béo phì được định nghĩa là khi chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Nó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là nhiều bệnh ác tính, từ tiểu đường, tim mạch cho đến ung thư. Nghiên cứu năm 2023 đã xác nhận: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư. Trong số đó, ung thư gan là một tác dụng phụ đặc biệt đáng báo động liên quan đến béo phì.
Ung thư biểu mô tế bào gan – một dạng của ung thư gan, là một trong những ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều nhất trên toàn cầu, thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng trong giai đoạn đầu.
Tại sao béo phì làm tăng nguy cơ ung thư gan
Theo tiến sĩ Dinesh Singh, bác sĩ chuyên khoa ung thư, Trưởng khoa Xạ trị tại Bệnh viện Ung thư Andromeda (Ấn Độ), có một mối quan hệ phức tạp giữa béo phì và ung thư liên quan đến một số quá trình sinh học.
Viêm mạn tính do béo phì gây ra có thể thúc đẩy môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ung thư. Hơn nữa, nó làm tăng mức insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF), cả hai đều có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Hơn nữa, lượng estrogen dư thừa do mô mỡ sản xuất cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Đặc biệt, một lý do đáng lo ngại là gan bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lượng mỡ thừa trong cơ thể. Người béo phì thường mắc bệnh gan nhiễm mỡ, có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ, dẫn đến xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết người béo phì có nguy cơ ung thư gan cao gấp đôi so với người có cân nặng khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện béo phì còn có thể gây ra ung thư đường mật trong gan.
Người béo phì cần làm gì để ngăn ngừa ung thư?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên có thể có tác động làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan.
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan nhiễm mỡ cần tích cực điều trị và thay đổi lối sống để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Mọi người cũng nên sàng lọc thường xuyên và xét nghiệm chức năng gan để phát hiện bệnh và điều trị sớm, theo Times Of India.
Theo: thanhnien.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.