Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Immunity, đã tìm ra cách ăn giúp các tế bào tiêu diệt tự nhiên của hệ miễn dịch còn gọi là tế bào sát thủ (NK) chống lại ung thư tốt hơn.
Theo đó, nhịn ăn gián đoạn hay ăn hạn chế thời gian, giúp các tế bào sát thủ của hệ thống miễn dịch chống lại ung thư tốt hơn, theo chuyên trang y tế Medical Express.
Nghiên cứu do tiến sĩ, bác sĩ Rebecca Delconte, từ Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ – MSK), dẫn đầu, được tiến hành trên chuột. Trong đó, chuột mắc ung thư theo chế độ nhịn ăn gián đoạn: Nhịn ăn trong 1 ngày đêm, 2 lần một tuần, trong 5 ngày còn lại vẫn ăn uống thoải mái.
Cách ăn này nhằm ngăn cản chuột giảm cân nói chung. Nhưng những khoảng thời gian nhịn ăn có ảnh hưởng lớn đến tế bào NK.
Kết quả cho thấy khi chuột mắc ung thư trải qua quá trình nhịn ăn gián đoạn, các tế bào sát thủ được huấn luyện khả năng trao đổi chất để chịu đựng được môi trường thiếu dinh dưỡng bên trong và xung quanh khối u, đồng thời nâng cao khả năng chống ung thư.
Trong chu kỳ nhịn ăn, tế bào NK của chuột học cách sử dụng axit béo làm nguồn nhiên liệu thay cho đường. Tác giả chính Rebecca Delconte cho biết: Điều này thực sự tối ưu hóa khả năng chống ung thư của chúng vì môi trường khối u chứa nồng độ chất béo cao và giờ đây chúng có thể xâm nhập vào khối u và sống sót tốt hơn nhờ việc nhịn ăn này.
Đồng tác giả, tiến sĩ Joseph Sun, cho biết: “Các khối u rất đói”. Chúng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu, tạo ra môi trường “nghèo dinh dưỡng” giàu chất béo, rất bất lợi cho tế bào miễn dịch.
Điều quan trọng ở đây là nhịn ăn sẽ đào tạo các tế bào sát thủ này để chúng tồn tại tốt hơn trong môi trường bất lợi kể trên.
Ngoài ra, các tác giả còn quan sát thấy nhiều tế bào NK di chuyển đến tủy xương, ở đó chúng có khả năng sản sinh ra nhiều cytokine quan trọng để chống khối u hơn. Trong khi đó, các tế bào NK ở lá lách được đào tạo để sử dụng chất béo làm nhiên liệu tốt hơn. Tiến sĩ Delconte cho biết, kết hợp cả hai cơ chế này, các tế bào NK trở nên mạnh mẽ để sản xuất nhiều cytokine hơn trong khối u. Và với việc cải tiến quá trình trao đổi chất, chúng có nhiều khả năng sống sót hơn trong môi trường khối u và tăng cường khả năng chống ung thư, theo Medical Express.
Nói chung, càng có nhiều tế bào NK trong khối u thì tiên lượng bệnh nhân càng tốt.
Những phát hiện này có thể giúp giải thích tại sao nhịn ăn gián đoạn có thể giúp cơ thể chống lại ung thư, giảm mỡ và cải thiện quá trình trao đổi chất.
Và mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng kết quả cũng cho thấy nhịn ăn có thể là một chiến lược để làm cho liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư hiệu quả hơn, các tác giả nghiên cứu lưu ý.