Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trong niêm mạc cổ tử cung phát triển một cách không kiểm soát.
Cũng như mọi loại ung thư khác, phát hiện ra các triệu chứng của bệnh càng sớm càng có khả năng cứu sống bệnh nhân. Mặc dù ở một số người ung thư cổ tử cung không hề có triệu chứng, nhưng bệnh cũng có một số dấu hiệu cảnh báo cần chú ý, theo tờ Express.
Bác sĩ phụ khoa Susanna Unsworth, từng làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, cho biết: Đau ở lưng dưới hoặc xương chậu nên được kiểm tra nếu không thuyên giảm sau 2 – 3 tuần.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, cơn đau có thể ở lưng dưới, giữa xương hông (xương chậu) hoặc ở bụng dưới.
Bác sĩ Nikita Patel, làm việc tại Trung tâm sức khỏe Vitality (Anh) cũng cảnh báo tương tự: Hãy đi bác sĩ khám càng sớm càng tốt nếu đau bụng dưới, đau vùng chậu hoặc lưng, hoặc đau khi quan hệ, theo Express.
Bác sĩ Nikita Patel chia sẻ 3 triệu chứng khác của ung thư cổ tử cung cần lưu ý như sau: Chảy máu:
Chảy máu âm đạo bất thường cũng là một triệu chứng của ung thư cổ tử cung.
Đó là chảy máu ngoài các kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ hoặc chảy máu xuất hiện sau khi mãn kinh.
Sự thay đổi ở dịch tiết vùng kín: Nếu thấy khí hư thay đổi, như trở nên đặc hơn, đổi màu, đổi mùi hoặc có lẫn máu, nên đi bác sĩ khám ngay.
Đau khi quan hệ: Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn.
Bác sĩ Nikita Patel cảnh báo: Nếu cảm thấy đau khi quan hệ và sau khi đã làm mọi cách vẫn không đỡ, nên nói chuyện với bác sĩ, theo Express.
Bác sĩ Unsworth nói thêm: Mặc dù những triệu chứng này chưa hẳn là ung thư cổ tử cung, nhưng cần phải kiểm tra để xác định nguyên nhân.
Bác sĩ Unsworth cũng kêu gọi phụ nữ dù không có triệu chứng nào cũng nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nên kiểm tra định kỳ để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trước khi bệnh phát triển.
Theo: thanhnien.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.