Nếu một người thân bị ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 1,5 đến 3 lần, nếu hai người thân bị ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 7 lần. Tuổi khởi phát càng trẻ thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở người thân càng cao.
Sàng lọc sớm ung thư vú
Nguy cơ tương đối của ung thư vú tăng lên với các tổn thương tăng sinh, đặc biệt là những tổn thương tăng sản tiểu thùy hoặc ống động mạch không điển hình. Phụ nữ có tiền sử u xơ vú hoặc u nhú đơn hoặc nhiều ở ống dẫn vú có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn.
Phụ nữ bắt đầu có kinh sớm (dưới 12 tuổi) và mãn kinh muộn (trên 55 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn do tác dụng kéo dài của estrogen trên mô vú.
Những phụ nữ béo phì do có chế độ ăn nhiều chất béo và protein cao trong thời gian dài, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi, tăng cân có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Phụ nữ trên 40 tuổi vẫn chưa kết hôn, chưa có con hoặc đang cho con bú cũng có nguy cơ ung thư vú.
Ngoài ra, những phụ nữ thường xuyên căng thẳng, tức giận, nóng nảy, phụ nữ từng phá thai nhiều lần và phụ nữ tiếp xúc với tia X trong thời gian dài cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao.
Phụ nữ châu Á xu hướng mắc ung thư vú tương đối thấp trước 25 tuổi, tăng dần qua từng năm trong độ tuổi từ 35 đến 45, độ tuổi mắc bệnh cao nhất từ 45 – 55, giảm dần sau tuổi 70.
Hiện nay, các nước phát triển đã thực hiện sàng lọc ung thư vú một năm hoặc hai năm/lần đối với phụ nữ trên 40 tuổi. Độ tuổi phát hiện ung thư vú ở phụ nữ châu Á sớm hơn ở phương Tây từ 10-15 tuổi, nên sàng lọc lần đầu nên được bắt đầu từ 35 tuổi.
Về khoảng thời gian sàng lọc ung thư vú, phụ nữ có nguy cơ trung bình nên thực hiện sàng lọc chụp nhũ ảnh hai năm một lần. Phụ nữ có người thân trong gia đình bị ung thư vú và mang gene đột biến liên quan đến ung thư vú được xếp vào nhóm nguy cơ cao, nên khám siêu âm vú sáu tháng một lần và chụp MRI vú hằng năm bắt đầu từ tuổi 35.
– Siêu âm sàng lọc ung thư vú: Những người có kết quả siêu âm phân loại BI – RADS thuộc loại 1 hoặc 2, về nguyên tắc, nên được sàng lọc ít nhất 2 đến 3 năm một lần. Những người có kết quả thuộc loại 0 hoặc 3 phải chụp nhũ ảnh. Những người có kết quả thuộc loại 4 hoặc 5 cần làm xét nghiệm sinh thiết và mô bệnh học.
– Chụp nhũ ảnh: Kết quả chụp nhũ ảnh phân loại BI – RADS là loại 1 hoặc 2 tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Kết quả là loại 0 hoặc loại 3 sẽ tiến hành theo dõi ngắn hạn, sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học sau khi được bác sĩ chuyên khoa, hoặc làm các xét nghiệm khác. Kết quả loại 4 hoặc 5 phải thực hiện sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học.
Khi nào cần sàng lọc ung thư phổi?
Căn cứ mô hình tỉ lệ mắc, nhóm nguy cơ cao, phân nhóm bệnh lý, gánh nặng bệnh tật, khuyến cáo sàng lọc ở các nước phương Tây, Hoa Kỳ và châu Á, theo tôi thì người Việt Nam nên khuyến nghị nhóm có nguy cơ cao ung thư phổi như sau:
1. Tuổi từ 50 – 75 tuổi.
2. Kết hợp ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
– Hút thuốc ≥20 gói/năm hoặc chỉ số hút thuốc trên 400 điếu thuốc mỗi năm (chỉ số hút thuốc = số năm hút thuốc × số điếu thuốc hút mỗi ngày), kể cả những người đã hút thuốc trước đó nhưng đã bỏ thuốc lá dưới 15 năm.
– Hút thuốc thụ động.
– Có tiền sử phơi nhiễm nghề nghiệp (những người tiếp xúc với amiăng, berili, uranium, radon…).
– Có tiền sử khối u ác tính hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi;
– Có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc xơ phổi lan tỏa. Đối với những người đáp ứng các điều kiện trên, nên thực hiện sàng lọc CT xoắn ốc liều thấp định kỳ mỗi năm một lần. Nếu có một số triệu chứng liên quan nhất định hoặc có thể có các yếu tố nguy cơ cao khác, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để quyết định xem có nên sàng lọc ung thư phổi hay không.
Ai có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung nhiều nhất?
Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, vi rút HPV là thủ phạm chính, có tới 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến nhiễm HPV.
● Dưới 21 tuổi: Không được sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, do phụ nữ dưới 21 tuổi có sức đề kháng miễn dịch tương đối mạnh, dù có nhiễm HPV cũng có thể tự khỏi, hầu hết các trường hợp nhiễm HPV chỉ là thoáng qua, vì vậy phụ nữ ở giai đoạn này không cần sàng lọc.
● Từ 21 – 29 tuổi: Nên thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung 3 năm một lần.
● Từ 30 – 64 tuổi: Nên thực hiện xét nghiệm HPV kèm tế bào học cổ tử cung 5 năm một lần, hoặc xét nghiệm tế bào cổ tử cung 3 năm một lần.
● Từ 65 tuổi trở lên: Không cần tiếp tục sàng lọc nếu đã âm tính với nhiều lần xét nghiệm trước đó. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân từng bị CIN độ II, CIN độ III hoặc ung thư biểu mô tại chỗ thì phải tiếp tục khám ít nhất 20 năm sau khi điều trị.
Ung thư buồng trứng
Dễ hiểu nhầm là ung thư buồng trứng chỉ xuất hiện tế bào ung thư ở buồng trứng, nhưng trong thực tế một số khối u thậm chí không bắt nguồn từ buồng trứng mà các cơ quan vùng chậu. Các nhà khoa học đã thảo luận về việc nên đổi “ung thư buồng trứng” thành “ung thư vùng chậu” hay “ung thư phúc mạc vùng tiểu khung”.
Ung thư buồng trứng rất khác với nhiều bệnh ung thư khác về mặt di truyền, hơn 90% mô ung thư buồng trứng có đột biến gene ức chế khối u TP53.
Ngoài các đột biến điểm (thay đổi một hoặc một vài nucleotide) thường xảy ra ở các gene ức chế khối u, ung thư buồng trứng còn có nhiều khả năng liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc nhiễm sắc thể (là đột biến lớn về cấu trúc nhiễm sắc thể).
Vì những lý do phức tạp đó, nên với ung thư buồng trứng, hiện nay chưa có phương pháp sàng lọc sớm hiệu quả.
Chẩn đoán ung thư buồng trứng chủ yếu vẫn dựa vào siêu âm trước tiên, chỉ khi siêu âm có tổn thương mới chụp CT và bổ sung thêm cộng hưởng từ, đồng thời xét nghiệm nồng độ CA125 trong máu.
Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Tại Hoa Kỳ, mặc dù tỉ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao nhưng tử vong thấp, tỉ lệ sống sót sau 5 năm đạt mức đáng kinh ngạc là 99,5%. Nhưng ở các quốc gia đang phát triển, tỉ lệ tử vong do ung thư tiền liệt tuyến có thể lên tới 35%. Lý do, Hoa Kỳ được sàng lọc sớm ung thư tiền liệt tuyến, trong khi các quốc gia ít chú trọng điều này.
Ai có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt:
1. Nam giới >55 tuổi.
2. Nam > 45 tuổi có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
3. Nam >40 tuổi với PSA ban đầu >1 μg/L.
Khuyến cáo sàng lọc ung thư tiền liệt :
Xét nghiệm PSA huyết thanh làm chỉ số sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
1. Không khuyến khích sàng lọc với những người dưới 40 tuổi.
2. Trong trường hợp không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, việc sàng lọc không được khuyến khích đối với người ở độ tuổi 40-54.
3. Khoảng thời gian sàng lọc PSA được khuyến nghị là hai năm trở lên.
4. Không nên sinh thiết ở những bệnh nhân trên 70 tuổi hoặc tiên lượng có tuổi thọ thêm dưới 10-15 năm.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.