Thông thường bệnh nhân ung thư đến gặp bác sĩ dinh dưỡng chỉ hỏi nên kiêng món nào, mà không để tâm đến việc nên ăn món gì. Mắc một loại bệnh ung thư nhưng họ lại kiêng ăn tất cả các món của nhiều bệnh nhân ung thư khác.
Đây là thực tế về mức độ quan tâm dinh dưỡng chưa đúng ở nhiều bệnh nhân ung thư hiện nay, được bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Anh Tường – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – chia sẻ.
Ung thư tuyến giáp nhưng kiêng luôn thức ăn của bệnh nhân ung thư vú, đại tràng…
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc, bác sĩ Tường cho hay thông thường bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ dinh dưỡng chỉ hỏi nên kiêng món nào, mà không để tâm đến việc nên ăn món gì.
Ví dụ bệnh nhân A bị ung thư tuyến giáp cần uống iod phóng xạ, nên chỉ cần kiêng các món ăn có iod. Nhưng sau khi nói chuyện với bệnh nhân ung thư vú, đại tràng và gan, thì bệnh nhân A kiêng tất cả các món ăn của ba bệnh nhân kia hợp lại. Điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn hằng ngày của bệnh nhân ung thư.
Ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư quan tâm nhiều đến các phương pháp điều trị nhưng không để tâm làm sao có đủ sức khỏe theo những phương pháp điều trị này.
Bệnh nhân dồn tài chính cho việc điều trị và không dành ra một khoản nào đầu tư cho dinh dưỡng. Có bệnh nhân có tiền nhưng vẫn nhận những phần cơm chay hay phần cháo, mì gói được phát miễn phí từ các nhà hảo tâm ngoài bệnh viện.
Bác sĩ Tường cho biết với chế độ ăn không được đầu tư, ăn cho qua bữa, thì vốn bệnh nhân ung thư đang chán ăn, khó nuốt, chuyện ăn kém là đương nhiên, dễ dẫn đến suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng nên không có cơ hội điều trị.
Dễ mất đi cơ hội điều trị vì suy dinh dưỡng
Trước thực tế nhiều bệnh nhân ung thư cho rằng nhịn ăn sẽ giết tế bào ung thư, bác sĩ Tường nhấn mạnh hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh nhịn ăn sẽ khỏi bệnh ung thư mà không cần áp dụng phương pháp điều trị đặc hiệu nào.
Theo lý thuyết, tế bào ung thư có khả năng tân sinh mạch, thành lập chồi mạch máu thông nối với mạch máu của cơ thể, do vậy bệnh nhân và khối ung thư sẽ cùng sống và cùng chết.
Các phương pháp điều trị ung thư có thể không tiêu diệt toàn bộ tế bào ung thư. Tuy nhiên nếu còn lại một số lượng nhỏ tế bào ung thư, cơ thể có thể tiêu diệt nhờ hệ thống đề kháng hay còn gọi là hệ thống miễn dịch cơ thể tốt
Bác sĩ Tường khuyến cáo muốn có hệ miễn dịch tốt rất cần chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng và một giấc ngủ ngon, chế độ tập luyện đều đặn và tinh thần thoải mái.
Khi ăn uống không đầy đủ, suy dinh dưỡng dẫn đến suy giảm miễn dịch, lúc này khả năng tiêu diệt toàn bộ tế bào ung thư sẽ khó, từ đó khả năng bệnh trở lại sẽ cao hơn (gọi là tái phát hoặc bệnh trở nặng hơn hay bệnh tiến triển).
Ngược lại, nếu bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng sau điều trị, khả năng hồi phục sức khỏe không cao, thời gian hồi phục kéo dài, tăng tử vong do mất đi cơ hội điều trị các phương pháp hỗ trợ (nếu có).
Hơn nữa, người bệnh suy dinh dưỡng còn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm bệnh nhân tái nhập viện cao hơn, thời gian nằm viện lâu hơn.
Trong những tình huống thế này, bệnh nhân cần đến khám dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể cách chế biến hay dùng các sản phẩm thương mại phù hợp với bệnh lý và nhu cầu. Bác sĩ lâm sàng và cử nhân dinh dưỡng tiết chế sẽ thuyết phục bệnh nhân đặt ống từ mũi vào dạ dày (sonde mũi dạ dày) hoặc mở dạ dày ra.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.