Có hơn 120.000 ca tử vong do ung thư tại Việt Nam mỗi năm. 50-80% người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn trễ, 3 và 4.
“Bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tỉ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng”, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phụ trách điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết tại hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Ung bướu năm 2024, ngày 10-5 tại TP.HCM.
Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong, tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Bệnh nhân đang đợi đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ngày 10-5 – Ảnh: THÙY DƯƠNG
Tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý ung bướu ngày càng tăng.
Năm 2023, bệnh viện Ung bướu đã đón nhận gần 800.000 lượt bệnh nhân đến khám, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 ca xạ trị và gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch
Nguyên nhân tử vong cao vì phát hiện bệnh quá trễ. Tại Việt Nam, 50-80% người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn 3 và 4.
Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc mới ung thư cao hơn Việt Nam nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn. Lý do là các chương trình tầm soát tại hai quốc gia này rất hiệu quả, người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
“Các chương trình tầm soát ung thư và phát hiện bệnh sớm là chiến lược rất quyết liệt của TP.HCM để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả hơn”, TS Bảo Tuấn khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng ngành y tế TP ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực trong phát triển và ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu thuộc chuyên ngành ung thư của các y, bác sĩ và nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Với sự phát triển này, Bệnh viện Ung Bướu cùng với các bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn TP, các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành của TP định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.