Phát hiện sớm ung thư vú giảm nguy cơ tử vong

Nhiều phụ nữ phát hiện ung thư vú sớm khi khám sức khỏe định kỳ nên có thể kiểm soát bệnh ổn định, ít biến chứng, có khả năng bảo tồn tuyến vú.

Bà Trịnh Kim Nhi (49 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) phát hiện nang nhỏ trong tuyến vú 6 năm trước. Kích thước nang nhỏ và các chỉ số ở mức cho cho phép nên bác sĩ khuyên bà theo dõi, thăm khám định kỳ. Cứ đều đặn 6 tháng một lần, bà đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Trong một lần khám sức khỏe định kỳ tháng 12/2022, bà Nhi có triệu chứng bất thường. Bác sĩ chỉ định chụp hình ảnh, sinh thiết, kết quả nang nhỏ trong tuyến vú tiến triển thành ung thư vú trái giai đoạn IIA (giai đoạn sớm). Bác sĩ trao đổi với bà phẫu thuật cắt bỏ vú trái để loại bỏ khối u, sau đó, phòng ngừa khối u ác tính ở vú phải và tái tạo thẩm mỹ hai vú. “Trong cái rủi có cái may, tôi may mắn phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nên bác sĩ tiên lượng tốt”, bà Nhi nói.

Cũng nhờ thăm khám sức khỏe định kỳ, bà Hoàng Thị Mai (70 tuổi, Tây Ninh) phát hiện ung thư vú trái giai đoạn đầu năm 2012. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vú trái, đến nay, sức khỏe bà vẫn ổn định và bà duy trì thăm khám theo lịch mỗi 6 tháng một lần.

Bà Mai (bên trái) cùng bạn khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ngày 3/3 và được tặng thêm voucher khám bệnh vú miễn phí. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bà Mai (bên trái) cùng bạn khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ngày 3/3 và được tặng thêm voucher khám bệnh vú miễn phí. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một trường hợp khác được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm là bà Hoàng Mỹ Nhân (56 tuổi, An Giang). Bà được bác sĩ chỉ định bóc tách khối u, bảo tồn tuyến vú, hóa trị 4 đợt vào năm 44 tuổi. Hiện giờ, bà vẫn khỏe mạnh.

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, thường gặp ở độ tuổi 40-49, ít có triệu chứng cụ thể. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng như đau ngực, sờ thấy cục u, chảy máu ở đầu vú có thể đã ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV), tế bào ung thư đã phát triển, lan rộng, thậm chí di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, gan, phổi, não. Việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém, tiên lượng xấu và tăng nguy cơ tử vong.

Theo ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), thăm khám và tầm soát sức khỏe thường xuyên rất quan trọng. Ung thư vú có xu hướng gia tăng nhưng tỷ lệ tử vong trên thế giới giảm đáng kể. Điều này nhờ vào việc phát hiện sớm bệnh hơn thông qua tầm soát, sàng lọc và nâng cao nhận thức, các phương pháp điều trị tốt hơn.

ThS.BS Thùy Giang tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

ThS.BS Thùy Giang tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các phương pháp tầm soát, điều trị ung thư vú

BS.CKII Lê Hồng Cúc (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết thêm, công nghệ cải tiến hiện nay giúp tầm soát bệnh chính xác ở giai đoạn sớm nên điều trị cũng dễ dàng và thuận lợi hơn. Các phương tiện phổ thông nhất là siêu âm vú, nhũ ảnh và chụp cộng hưởng từ (MRI).

Nếu trước đây siêu âm chỉ là hình ảnh trắng đen thì hiện nay có thể siêu âm mạch máu, siêu vi mạch giúp phát hiện những mạch máu nhỏ, siêu âm đàn hồi, phát hiện những khối u lành tính hay ác tính. Phương tiện chụp nhũ ảnh cũng vậy. Chụp nhũ ảnh 2D (chụp một ảnh duy nhất) được thay thế bằng nhũ ảnh 3D có thể chụp các lớp (40-60 hình ảnh khác nhau). Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát vú chi tiết bằng những lát cắt rất mỏng.

Những trường hợp khó, đã siêu âm và nhũ ảnh nhưng bác sĩ chưa xác định được bản chất của sang thương vú, chụp MRI là cơ sở để chẩn đoán khối u lành hay ác tính, từ đó đưa ra cách điều trị thích hợp. Phương pháp điều trị ung thư vú cũng đa dạng hơn như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, kết hợp với liệu pháp nội tiết, sinh học (điều trị trúng đích). Tùy giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, các dấu ấn miễn dịch, đột biến gene mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ tối ưu, cá thể hóa.

Như trường hợp như bà Mai, bà Nhân… phát hiện ở giai đoạn sớm nên tiên lượng khá tốt, điều trị thuận lợi và ít có nguy cơ biến chứng. Bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả ở giai đoạn sớm, bảo tồn tuyến vú, tỷ lệ sống còn trên 80% sau 10 năm, tỷ lệ tái phát 5-7%, di căn 13%. Bệnh tái phát được phát hiện sớm sẽ điều trị ổn định lâu dài.

Bác sĩ Giang khuyến nghị, phụ nữ 20 tuổi trở lên nên tự khám vú hàng tháng vào thời điểm 7-10 ngày sau khi sạch kinh nguyệt, phụ nữ 20-30 tuổi nên tầm soát ung thư vú 3 năm một lần, tầm soát hàng năm khi ngoài 40 tuổi. Những người có nguy cơ như tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, béo phì, lạm dụng thuốc nội tiết, mang gene đột biến BRCA1 và BRCA2 thì nên thăm khám 6 tháng một lần.

Theo: vnexpress.net

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *