Sốc khi kháng sinh mất tác dụng

Tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả nhưng ở Việt Nam phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4 (thế hệ mới) mà nhiều bệnh nhân vẫn kháng toàn bộ kháng sinh.

Sốc khi kháng sinh mất tác dụng - Ảnh 1.

Thực tế, kháng thuốc kháng sinh là một trong những gánh nặng của ngành y tế hiện nay, nhất là đối với các bác sĩ điều trị. Nhiều bệnh nhân kháng tất cả các loại kháng sinh không đáp ứng điều trị dẫn đến tử vong.

Kháng sinh không còn tác dụng

Tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40 – 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện.

Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện vì một bệnh khác nhưng do kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch, tử vong do nhiễm trùng. Thậm chí, một số bệnh nhân nhiễm trùng với những con vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh mà bệnh viện đang có.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tỉ lệ bệnh nhân đa kháng thuốc trên bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện cao khoảng 70-75%, tỉ lệ bệnh nhân nhiễm khuẩn trong cộng đồng (bệnh nhân trực tiếp đến bệnh viện thăm khám) hoặc từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên chiếm khoảng 30% hoặc có thể hơn.

Một số trường hợp điển hình như bà H.T. (72 tuổi, TP.HCM) có bệnh nền tăng huyết áp nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp nặng được chuyển đến khoa hồi sức tích cực để điều trị. Thế nhưng tiên lượng của bệnh nhân ngày càng xấu hơn, bệnh tình không có tiến triển gì.

Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ làm xét nghiệm cho thấy bà đã kháng tất cả các nhóm kháng sinh truyền thống, nếu không nhanh chóng tìm được kháng sinh mới, nguy cơ tử vong nhanh. Các bác sĩ nhanh chóng cấy máu, cấy đàm, giải trình tự gene để tìm kháng sinh mới phù hợp, may mắn sau hơn một ngày tìm kiếm kháng sinh, bệnh nhân đã đáp ứng.

Đây chỉ là một trong những trường hợp may mắn mà bác sĩ Trần Thị Vân Anh – trưởng khoa nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất – đã điều trị, có những trường hợp bệnh nhân đã tử vong vì kháng thuốc do không còn thuốc thích hợp để điều trị.

Theo bác sĩ Vân Anh, hiện có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm nhưng có tỉ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), một số loại kháng sinh như Enrofloxacin điều trị đã kháng lên tới 67%. Hay như vi khuẩn Acinetobacter baumannii gây viêm phế quản, viêm phổi, kháng sinh Cefepime dùng để điều trị đã lên đến 71%…

“Tại bệnh viện nhiều bệnh nhân đã tử vong do kháng toàn bộ kháng sinh không thể tìm được loại kháng sinh mới để đáp ứng điều trị. Hay như có những người đã tử vong trong thời gian các bác sĩ tìm được loại kháng sinh điều trị. Điều lo lắng nhất hiện nay là không có thuốc kháng sinh mới để điều trị”, bác sĩ Vân Anh xót xa nói.

Mua kháng sinh vẫn dễ như mua rau

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện tình trạng mua bán các loại thuốc kháng sinh tràn lan, rất phổ biến cả trên mạng lẫn các tiệm thuốc. Mặc dù theo quy định của Bộ Y tế, việc mua bán kháng sinh phải có sự hướng dẫn, kê toa chặt chẽ của bác sĩ.

Sáng 24-9, tại nhà thuốc M.T. nằm trên đường Đặng Văn Bi (TP Thủ Đức, TP.HCM), khi được hỏi về việc mua kháng sinh Klamentin (dùng để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu, da… – PV) cho người nhà, một nữ dược sĩ tại đây nhanh chóng lấy ra một hộp thuốc kháng sinh Klamentin bao bì ghi rõ “Thuốc bán theo đơn”, rồi ra giá 9.000 đồng/viên mặc dù người mua không có đơn thuốc của bác sĩ.

Tại một cửa hàng thuốc trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), phóng viên miêu tả triệu chứng đau họng, có sốt, có đờm. Nhanh chóng, dược sĩ nhà thuốc này đã kê đơn thuốc. Ngoài thuốc điều trị triệu chứng dược sĩ này kê thêm thuốc Penicillin (nhóm thuốc kháng sinh beta-lactam – PV) và hướng dẫn uống đủ 5 liều.

Khi thắc mắc, thuốc Penicillin là thuốc kê đơn có thể uống được không thì người này giải thích: “Phải uống kháng sinh thì mới nhanh khỏi được, nếu không sẽ rất lâu khỏi”.

Tại một cửa hàng thuốc khác, cũng với triệu chứng đau họng, sốt, sổ mũi và đề nghị mua thuốc Cephalexin (một loại kháng sinh thuộc nhóm thuốc kê đơn), dược sĩ tại hiệu thuốc cũng nhanh chóng bán mà không đề nghị xuất trình bất kỳ đơn thuốc nào.

Không chỉ tại các hiệu thuốc, việc mua bán thuốc kháng sinh trên mạng cũng vô cùng đơn giản.

Tại các hội nhóm trên mạng xã hội như “Chợ sỉ thuốc Tây Tô Hiến Thành” với hơn 76.000 thành viên, “Chợ sỉ thuốc Tây Q.10” với 19.000 thành viên, “Chợ thuốc Tây” với 17.000 thành viên… liên tục rao bán sỉ và lẻ hàng loạt các loại kháng sinh với cam kết gửi hàng đến tận nhà.

Các thuốc này được rao bán dưới dạng tiêm hoặc dạng uống đủ loại dành cho cả trẻ em và người lớn.

Tài khoản cá nhân L.V. đăng thông tin rao bán đủ dòng kháng sinh tai mũi họng, nhi khoa, hô hấp, cúm như: Amoxycillin, Ciforkid… với giá từ 100.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng/hộp. V. cam kết khách có nhu cầu chỉ cần liên hệ, thuốc được giao đến tận nhà.

Hệ lụy mua và bán thuốc kháng sinh không có toa bác sĩ đã được cảnh báo nhiều, tuy nhiên đến nay vẫn không giảm.

Ước tính đến năm 2050, kháng kháng sinh là nguyên nhân tử vong lớn hơn cả ung thư trên toàn cầu, trong bối cảnh không có nhiều thuốc kháng sinh mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Bệnh nhiễm trùng sẽ trở thành thách thức với toàn cầu

Sốc khi kháng sinh mất tác dụng - Ảnh 2.

Thoải mái bán kháng sinh không có toa tại một nhà thuốc – Ảnh: THU HIẾN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Rogier van Doorn, giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU tại Hà Nội), cho hay theo một báo cáo về tình trạng kháng kháng sinh và các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam năm 2019 cho thấy kháng kháng sinh là nguyên nhân dẫn đến tử vong chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư.
 
Đặc biệt, tình trạng sử dụng và tiếp cận kháng sinh tại Việt Nam đang trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kháng kháng sinh tăng cao. Trong cộng đồng có tới 60-90% kháng sinh tiêu thụ không được kê đơn; tại bệnh viện có tới 1/3 bệnh nhân dùng kháng sinh không có chỉ định kê đơn.
 
“Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu về tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng. Kết quả cho thấy kháng kháng sinh trong cộng đồng tại Việt Nam đang rất cao. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều loại kháng sinh sẽ không còn tác dụng khi cần thiết. Và cuối cùng gánh nặng lên hệ thống y tế, khó khăn trong điều trị”.
 
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết sau “kỷ nguyên vàng” (khoảng thập niên 1950 – 1960), các kháng sinh được phát minh càng lúc càng ít, hiệu quả kém dần theo thời gian. Hiện nay 5-10 năm mới có một kháng sinh mới và đa số vi khuẩn đều sẽ kháng thuốc sau một thời gian ngắn từ lúc thuốc ra đời.
 
Các dòng vi khuẩn kháng thuốc liên tục xuất hiện. Điều này tạo nên gánh nặng dịch bệnh trong tương lai, khiến bệnh nhiễm trùng vẫn là thách thức bất tận toàn cầu. Tác nhân gây bệnh luôn tiến hóa, từ đó con người phải liên tục đối diện với nhiều dịch bệnh mới trỗi dậy hoặc tái trỗi dậy.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *