Tại sao phải uống hormone sau điều trị ung thư tuyến giáp?

Tôi đã cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư, bác sĩ chỉ định uống thuốc hormone tuyến giáp. Có cần thiết uống hormone, thuốc có tác dụng phụ không?

Trả lời:

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, hình con bướm, nằm sau khí quản. Cơ quan này tiết ra hormone tuyến giáp là Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3).

Hormone tuyến giáp tác động đến hầu hết mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể gồm hệ thống thần kinh trung ương, xương, chỉ số đường huyết và trao đổi chất. Nó điều chỉnh tốc độ sử dụng calo của cơ thể, ảnh hưởng cân nặng, nhịp tim, nhiệt độ, quá trình phát triển não bộ, kiểm soát tốc độ tái tạo tế bào mới để thay thế cho tế bào chết.

Người thiếu hormone giáp thường mệt mỏi, nhức đầu, đãng trí, tâm trạng thất thường, da và tóc bị khô, rối loạn kinh nguyệt. Lâu dần phát triển thành các bệnh như bướu cổ, tim mạch, tâm thần, bệnh thần kinh ngoại biên, chứng phù niêm, vô sinh, dị tật bẩm sinh…

Bác sĩ Tú tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tú tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người bị thừa hormone tuyến giáp thường sụt cân nhanh, dễ bị tiêu chảy hoặc đi ngoài nhiều hơn, liệt ở chân đột ngột, mất ngủ, nhạy cảm với ánh sáng. Nguy cơ cao phát triển thành bệnh viêm tuyến giáp, bướu giáp, ung thư tuyến giáp.

Sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, người bệnh được chỉ định uống hormone tuyến giáp suốt đời nhằm thay thế nội tiết tố do tuyến giáp sản xuất, tránh nguy cơ suy giáp.

Thuốc này giúp cơ thể người bệnh duy trì hoạt động trao đổi chất bình thường, giảm nguy cơ bướu giáp tái phát. Liều lượng thuốc được bác sĩ tính toán phù hợp dựa trên cân nặng, nhu cầu, độ tuổi, mức độ đáp ứng và kết quả xét nghiệm của mỗi người bệnh. Bạn nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không uống theo đơn của người bệnh khác, không được tự tăng hoặc giảm liều.

Thuốc hormone tuyến giáp không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn thận, gan… Tuy nhiên, uống ít hoặc quá liều dễ dẫn đến suy giáp hoặc cường giáp, gây ra các triệu chứng như sụt cân, hồi hộp, đánh trống ngực vã mồ hôi, run, đau đầu, mất ngủ.

Khi nhận thấy bất thường trong cơ thể, người bệnh cần thông báo với bác sĩ, tái khám và thực hiện xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormone giáp trong máu định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều thuốc phù hợp theo từng giai đoạn.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *