Thực phẩm bổ sung i ốt có gây bướu cổ, ung thư tuyến giáp?

Trước thông tin dùng thực phẩm bổ sung i ốt làm gia tăng bệnh về tuyến giáp do thừa vi chất này, Bộ Y tế đã giải thích về tình trạng bệnh tật liên quan sử dụng sản phẩm bổ sung i ốt.

Chưa ghi nhận người thừa i ốt

Bộ Y tế cho biết, theo kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019 – 2020, ở tất cả các nhóm đối tượng, mức i ốt niệu đều thấp hơn so với khuyến cáo.

Tỷ lệ người có nồng độ i ốt niệu vượt quá ngưỡng 300 ppm là 0% (ngưỡng trên 300 ppm là ngưỡng có i ốt niệu cao).

Thực phẩm bổ sung i ốt có gây bướu cổ, ung thư tuyến giáp?- Ảnh 1.

Bộ Y tế cho biết chưa ghi nhận ca ung thư tuyến giáp và các bệnh do thừa i ốt. ẢNH: LIÊN CHÂU

Với kết quả này, cơ quan chuyên môn khẳng định quần thể người dân Việt Nam vẫn còn chưa đạt đủ lượng i ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Cho đến nay, chưa có một y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối i ốt toàn dân (từ năm 1994 đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp.

Ngoài ra, các báo cáo của Bệnh viện Nội tiết T.Ư và Viện Dinh dưỡng, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i ốt.

Theo Bộ Y tế, bản thân thiếu i ốt hoặc i ốt cao gây ra các bệnh về tuyến giáp cũng được xếp vào hậu quả của thiếu i ốt, đây là đánh giá xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo WHO, tại những vùng thiếu i ốt nặng sẽ gây ra tăng tỷ lệ cường giáp trên những nhân tuyến giáp tự miễn. Sau 5 – 10 năm bổ sung i ốt thường xuyên, thì tỷ lệ mắc cường giáp sẽ suy giảm, tương ứng với những vùng không bị thiếu i ốt.

Cường giáp là bệnh tự miễn, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là chủ yếu. Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc yếu tố miễn dịch vẫn còn cao sau thời gian dài điều trị nội khoa thì nên lựa chọn phẫu thuật hoặc điều trị xạ.

Gia tăng ung thư tuyến giáp

Thực phẩm bổ sung i ốt có gây bướu cổ, ung thư tuyến giáp?- Ảnh 2.

Theo cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, ung thư giáp được phát hiện gia tăng nhờ tiến bộ trong chẩn đoán và ý thức người dân tầm soát bệnh. ẢNH: BỆNH VIỆN K

Ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính thường gặp nhất của hệ nội tiết, đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo số liệu GLOBOCAN (dữ liệu ung thư toàn cầu) năm 2020 của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC), ung thư tuyến giáp đứng hàng 11 về số ca mắc mới ung thư, chiếm 3% trong tổng số ca mắc mới của tất cả các loại ung thư.

Tại Việt Nam, theo số liệu của GLOBOCAN năm 2020, tương tự tình hình trên thế giới, ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới, đứng thứ 6 ở nữ giới về tỷ lệ mắc mới trong tất các loại ung thư, gấp 4 lần so với nam giới.

“Nguyên nhân ung thư này tăng do sự phát triển phát triển kỹ thuật và ý thức của người dân khám phát hiện sớm. Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định thừa i ốt gây ra ung thư tuyến giáp”, Bộ Y tế giải thích.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 – 2020 tại Việt Nam:

Hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%.
 
Chỉ số xét nghiệm về i ốt niệu ở trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l; phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l (trong khi mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 100 – 199 mcg/l); phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l (mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 150 – 249 mcg/l).
 
Do đó, chỉ số i ốt trong các nhóm được xét nghiệm và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh tại Việt Nam đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
 
WHO và các cơ quan nghiên cứu khác nhấn mạnh, tăng cường vi chất dinh dưỡng trên quy mô lớn là một biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả nhằm ngăn ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
 
Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để giải quyết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến trên toàn cầu không dẫn đến nguy cơ về độc tính hay bổ sung quá mức.
 
Theo báo cáo 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu vi chất này.

(Bộ Y tế)

Theo: thanhnien.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *