Ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Khối u ác tính của tuyến giáp không được điều trị sẽ phát triển và di căn đến nhiều cơ quan, trong đó thường gặp nhất là nhóm hạch vùng cổ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Ung thư tuyến giáp di căn hạch bắt đầu từ một khối u và lây lan nhanh chóng sang những vùng quanh cổ, làm xuất hiện các hạch nhỏ quanh khu vực này.

Triệu chứng

Ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ hay ung thư tuyến giáp xâm lấn có các triệu chứng gồm:

  • Đau rát cổ.
  • Khàn giọng.
  • Đau khi nuốt.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Mất tiếng do khối hạch chèn ép lên dây thanh quản.

Tiên lượng

Người bệnh ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ vẫn có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời và phù hợp.

Tùy thuộc vào các yếu tố như loại giải phẫu bệnh, giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh, các bệnh đi kèm, mức độ đáp ứng điều trị…, ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ có tỷ lệ sống sau 5 năm khác nhau.

  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp thể nhú di căn hạch cổ là 99%.
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp thể nang là 98%.
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp thể tủy là 90%.
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp dạng không biệt hóa là 9%.

Phòng ngừa, điều trị

Người bệnh khi xuất hiện hạch ở cổ hoặc các nốt rộp nên theo dõi. Nếu trong vài ngày, các hạch teo nhỏ thì đó là viêm họng bình thường. Trường hợp hạch tồn tại nhiều tháng có thể là khối u.

Khối u có thể lành tính hoặc ác tính, cần bác sĩ chuyên khoa Đầu Mặt Cổ chẩn đoán để có kết luận chính xác, điều trị phù hợp.

Người trưởng thành nên tầm soát sức khỏe định kỳ để được siêu âm, kiểm tra, phát hiện bất thường ở giai đoạn sớm.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ thường là phẫu thuật cắt tuyến giáp kết hợp nạo hạch cổ.

Tùy vào loại ung thư tuyến giáp, diễn tiến bệnh mà người bệnh có thể cần được điều trị thêm với iốt phóng xạ, liệu pháp nội tiết Levothyroxine (còn gọi là liệu pháp ức chế TSH). Người bệnh ung thư tuyến giáp dạng không biệt hóa thường có chỉ định xạ trị, có thể kết hợp xạ trị.

Người bệnh ung thư tuyến giáp đã điều trị, cần tái khám định kỳ với bác sĩ để được kiểm tra, kiểm soát tình trạng di căn (nếu có) và chữa kịp thời.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *