Uống sữa có khiến bệnh ung thư nặng hơn?

Tôi mắc bệnh ung thư vú, uống sữa được không, có làm bệnh nặng thêm không?

Sữa chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, hỗ trợ người bệnh tăng sức đề kháng, nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống. Sữa chứa các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể bao gồm:

Protein: Protein đóng vai trò duy trì cơ bắp sau khi trải qua các yếu tố căng thẳng như bệnh tật. Protein còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mô tế bào và hệ thống miễn dịch. Người bệnh ung thư có thể bổ sung thực phẩm nhiều protein từ các loại sữa ít béo, yến mạch, hạnh nhân, cá ngừ, trứng…

Canxi: Sữa là thức uống giàu canxi – khoáng chất hỗ trợ xây dựng và bảo vệ răng, xương. Canxi còn góp phần giúp cầm máu, phòng ngừa loãng xương, giảm tình trạng đau nhức xương khớp, làm lành nhanh các vết nứt, gãy của xương…

Vitamin D và B12: Vitamin D góp phần tăng cường chức năng miễn dịch, giảm viêm và giúp cơ thể hấp thụ canxi, phốt pho từ thức ăn hiệu quả hơn. Vitamin B12 cần thiết cho não bộ và hệ thống miễn dịch.

Các loại thực phẩm từ sữa đa phần đều mềm và có mùi vị thơm ngon, dễ tiêu hóa, kích thích vị giác. Một số loại sữa chứa hàm lượng đạm, EPA (Eicosapentaenoic axit) cao và ít lactose phù hợp với người bệnh ung thư như Fortimel, Forticare, Prosure, Lean Max Hope…

Điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nhiều người bệnh lo lắng uống sữa khiến tế bào ung thư hay khối u phát triển nhanh hơn. Quan niệm này không chính xác. Đa số người bệnh ung thư đều có thể và được khuyến khích uống sữa, nhưng cần dùng với lượng phù hợp. Bạn không nên quá lo lắng mà bỏ sữa khỏi thực đơn hằng ngày. Chỉ một số trường hợp bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, không thể dung nạp lactose… mới cần hạn chế sữa hoặc lựa chọn sản phẩm sữa phù hợp.

Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị đều có thể gây ra tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn, lở miệng… khiến người bệnh khó chịu khi uống sữa, nhất là sữa nhiều chất béo và hàm lượng lactose cao. Người bệnh ung thư cần trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch ăn uống, trong đó lựa chọn dùng sữa hợp lý.

Bên cạnh bổ sung sữa, người bệnh ung thư cần có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo đa dạng thực phẩm từ thịt, cá, trứng, rau, trái cây… để cải thiện sức khỏe, nâng cao hiệu quả điều trị. Mỗi người bệnh là cá thể riêng biệt, nên chủ động trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn phù hợp.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *