Tôi vừa nhận kết quả ung thư tuyến giáp thể nhú. Xin hỏi bác sĩ bệnh này điều trị thế nào và sống được bao lâu? (Phạm Nhung, 47 tuổi, Quảng Ninh).
Trả lời:
Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư tuyến nội tiết phổ biến. Đây là nguyên nhân gây tử vong khoảng 66,8% các ca bệnh liên quan ung thư nội tiết trên thế giới và có tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới. Ung thư tuyến giáp được chia thành hai loại gồm ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang, thể nhú và nang) chiếm khoảng hơn 90% ca bệnh và ung thư tuyến giáp thể tủy, thể không biệt hóa chiếm gần 10%. Đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, tiên lượng sống rất khả quan nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) cho thấy phần lớn bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có thể điều trị khỏi.
Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm loại ung thư, giai đoạn tiến triển bệnh, tuổi tác bệnh nhân, phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng thuốc, thể trạng của người bệnh… Nhìn chung, theo các số liệu do Hiệp hội Ung thư Mỹ cung cấp dựa trên thông tin cơ sở dữ liệu SEER, tỷ lệ sống sót qua 5 năm đối với bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn khu trú lên đến hơn 99%. Tỷ lệ này giảm còn 53% khi khối u di căn đến các cơ quan khác. Phát hiện và điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng hiệu quả điều trị thành công.
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến giáp vẫn chưa được kết luận. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh gồm: rối loạn miễn dịch; phơi nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp, tiêu hóa; bệnh sử gia đình (nguy cơ cao gấp 10 lần nếu trong gia đình ghi nhận có người thân mắc ung thư tuyến giáp); thay đổi hormone theo tuổi tác… Ngoài ra còn có các rủi ro khác như viêm gan mạn tính liên quan đến viêm gan C, mang thai con đầu lòng muộn, người thừa cân, béo phì, dùng thuốc iốt phóng xạ…
Ung thư tuyến giáp thường được biểu hiện lâm sàng dưới dạng các khối u nổi vùng cổ trước, hạch vùng cổ, đi kèm đó là các triệu chứng khàn giọng, ngứa rát họng mạn tính… Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu nghiêm trọng hơn xuất hiện như: khó thở, xuất hiện khối u ở cổ chuyển động theo nhịp nuốt; loét, chảy máu da vùng cổ; vã mồ hôi, khả năng chịu nhiệt kém. Một số người có thể gặp tình trạng tinh thần bất ổn, tính tình thất thường, dễ căng thẳng, hồi hộp, mệt mỏi khi tham gia các hoạt động; sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.
Từ 40 tuổi, bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện khám sàng lọc ung thư tuyến giáp tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nội tiết. Bạn nên chọn bệnh viện có trang bị hệ thống máy móc, kỹ thuật hiện đại như máy siêu âm 3D đàn hồi real time, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA)… cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm nhằm phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, tăng tỷ lệ sống còn.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp như phẫu thuật, liệu pháp iốt phóng xạ, thuốc nội tiết, xạ trị, hóa trị, liệu pháp trúng đích. Tùy theo loại tế bào, giai đoạn ung thư tuyến giáp, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp là phương pháp phổ biến nhất và khá an toàn hiện nay. Phẫu thuật giúp loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư, lấy trọn hạch bạch huyết ở vùng cổ và mô xung quanh tuyến giáp, phòng ngừa tái phát. Phương pháp uống iốt phóng xạ bổ trợ sau phẫu thuật có thể được chỉ định tùy tình trạng bệnh.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.