Chế độ ăn cân bằng cho người ung thư buồng trứng

Ăn đủ protein và calo từ 6 nhóm thực phẩm, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, tránh thịt sống, duy trì cân nặng khỏe mạnh tốt cho người ung thư buồng trứng.

Theo Hệ thống Y tế Johns Hopkins (Mỹ), lựa chọn thực phẩm phù hợp trong và sau điều trị ung thư buồng trứng có thể tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng sống. Các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, táo bón thường gặp ở bệnh nhân bị ung thư này, có thể được giảm thiểu bằng chế độ ăn uống phù hợp và uống nhiều nước.

Một chế độ ăn uống cân bằng cho người ung thư buồng trứng gồm sáu nhóm thực phẩm, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Điều này nhằm giảm nguy cơ tái phát ung thư, hỗ trợ dinh dưỡng đầy đủ và cân nặng hợp lý. Bao gồm:

Protein: Có nguồn từ trứng, thịt gia cầm không da, cá, động vật có vỏ, thịt đỏ nạc ở mức độ vừa phải, bơ hạt (bơ đậu phộng, bơ hạt điều…), các loại đậu (đậu lăng, đậu nành, đậu Hà Lan…), các loại hạt.

Sữa và các sản phẩm từ sữa: Người bệnh có thể tiêu thụ các sản phẩm như sữa chua, phô mai tươi, sữa… nhưng ở mức độ vừa phải.

Trái cây: Ưu tiên trái cây tươi. Trong đó, chuối cung cấp nhiều năng lượng và nên ăn 2-3 phần mỗi ngày.

Rau: Ăn 3-5 phần mỗi ngày. Các loại rau củ giàu tinh bột như khoai lang, khoai tây, đậu Hà Lan, bí đỏ tốt cho người ung thư buồng trứng.

Tinh bột: Người bệnh nên chọn tinh bột từ các loại ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch, gạo lứt, mì ống, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt.

Chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, bơ hạt, quả bơ, các loại hạt chứa các chất béo có lợi cho sức khỏe.

Người bệnh cần uống ít nhất 2 lít mỗi ngày. Nếu gặp tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc có nguy cơ cao bị tắc ruột, người bệnh cần tránh thực phẩm giàu chất xơ để không làm trầm trọng thêm triệu chứng.

Ung thư buồng trứng là ung thư phổ biến ở nữ giới. Ảnh: Freepik

Ung thư buồng trứng thường gây đau ở vùng khung chậu. Ảnh: Freepik

Chế độ ăn cải thiện tác dụng phụ

Bệnh nhân điều trị ung thư buồng trứng có thể gặp các vấn đề như buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ợ nóng, đầy hơi hoặc nhanh no dù ăn lượng thức ăn nhỏ…

Đầy hơi: Bệnh nhân rất khó ăn đủ calo và protein sau khi điều trị vì đầy hơi. Trong trường hợp này, thay vì ăn các bữa lớn thì nên ăn các bữa nhỏ thường xuyên để bổ sung đủ protein.

Nếu không dung nạp đường sữa, nên tránh các loại thực phẩm giàu đường sữa như sữa bò và kem. Tránh đồ uống có ga như soda hoặc bia, tránh nhai khi mở miệng khiến nuốt không khí, góp phần gây đầy hơi.

Người bệnh cũng cần tránh các bữa ăn nhiều dầu mỡ do được tiêu hóa chậm dẫn đến đầy hơi. Hạn chế một số thực phẩm có khả năng tạo khí như đậu và các loại rau thuộc họ cải (bông cải xanh, bắp cải, cải ngọt…). Do những thực phẩm này có chứa lưu huỳnh và raffinose – một loại carbohydrate cơ thể khó phân hủy.

Táo bón: Uống ít nhất 2,5 lít nước mỗi ngày. Duy trì hoạt động với các bài tập thể dục cường độ thấp như đi bộ 20-30 phút hàng ngày để cải thiện nhu động tiêu hóa. Nếu không có nguy cơ bị tắc ruột non, bạn có thể ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt. Đặt mục tiêu ăn ít nhất 25-35 g chất xơ mỗi ngày.

Tiêu chảy: Uống nhiều nước lọc hoặc nước ít đường trong ngày, uống một cốc nước sau mỗi lần đi tiêu để tránh mất nước. Tránh đồ uống nhiều đường (kể cả nước ép trái cây), cà phê, nước có chứa caffeine, thức ăn béo hoặc nhiều dầu mỡ, đồ ngọt vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Hạn chế chất xơ không hòa tan, tăng cường các nguồn chất xơ hòa tan như gạo, chuối, bột yến mạch, khoai tây bỏ vỏ…

Nguy cơ tắc ruột: Nếu có nguy cơ này, người bệnh cần tránh trái cây tươi hoặc khô (trừ chuối), rau sống, ngô, nấm, cà chua, vỏ khoai tây, bắp cải, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, bỏng ngô, bơ đậu phộng, thịt có da.

Thực phẩm cần tránh

Bưởi và cam chua: Đây là các loại quả mà trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng, phụ nữ cần tránh ăn vì có thể tương tác với một số loại thuốc.

Hải sản sống, thịt sống hoặc chưa chín kỹ (tái): Hóa trị có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Vì vậy, không nên tiêu thụ các thực phẩm này tái, sống. Do có thể chứa vi khuẩn, hệ thống miễn dịch bị tổn thương khó chống lại làm tăng nhiễm trùng, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị ung thư.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, trọng lượng cơ thể dư thừa có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Vì vậy, duy trì cân nặng khỏe mạnh có tác động tích cực trong điều trị.

Theo: vnexpress.net

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *