Tuyến giáp viêm khiến hormone tuyến giáp tiết ra ít hoặc nhiều hơn so với bình thường.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Nguyên nhân
Viêm tuyến giáp do bệnh tự miễn hoặc các kháng thể tấn công tuyến giáp, di truyền.
Viêm tuyến giáp cũng có thể do nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc như interferon, amiodarone gây tổn thương tế bào tuyến giáp, dẫn đến viêm.
Triệu chứng
Ai cũng có thể mắc bệnh viêm tuyến giáp nhưng phổ biến ở phụ nữ. Phụ nữ có khả năng viêm tuyến giáp cao gấp 4-10 lần nam giới, nhất là phụ nữ trong độ tuổi 30-50.
Phần lớn viêm tuyến giáp không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm. Tình trạng kéo dài dẫn đến suy giáp vĩnh viễn, người bệnh trải qua các giai đoạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biến chứng
Viêm tuyến giáp không trực tiếp đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm là cơn bão giáp (tình trạng tăng hormone tuyến giáp quá nhiều).
Tuyến giáp là nơi sản xuất hormone triiodothyronine và thyroxine. Hai hormone này có chức năng kiểm soát quá trình trao đổi chất, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể. Khi cơn bão giáp xảy ra, hai hormone này sản xuất ồ ạt khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhanh, có thể sốt cao đến 41 độ C.
Tốc độ trao đổi chất tăng đột ngột, cơ thể cần nhiều oxy hơn cho hoạt động hô hấp làm nhịp tim tăng vọt, gây khó thở, có thể dẫn đến suy tim.
Cơn bão giáp còn khiến người bệnh rơi vào trạng thái mê sảng, kích động, lú lẫn, khát nước, vàng da, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy, yếu cơ, loãng xương…
Giai đoạn
Có nhiều dạng viêm tuyến giáp khác nhau, mỗi loại có những biểu hiện đặc trưng, trong đó viêm tuyến giáp Hashimoto phổ biến nhất. Bệnh thường phát triển qua ba giai đoạn.
Giai đoạn nhiễm độc giáp (viêm giáp giai đoạn cường giáp): Tuyến giáp viêm gây tổn thương và phá hủy nhanh chóng các tế bào tuyến giáp. Khi đó, lượng hormone giáp dự trữ sẵn trong các tế bào tuyến giáp rò rỉ ra bên ngoài, tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu.
Lượng hormone giáp trong máu tăng lên quá mức nên người bệnh có các triệu chứng của bệnh nhiễm độc giáp. Bản chất của quá trình này do phá hủy mô giáp. Người bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh cường giáp thực sự do các tế bào tuyến giáp hoạt động mạnh, tăng sản xuất nhiều hormone giáp.
Giai đoạn suy giáp (nhược giáp): Tế bào tuyến giáp bị phá hủy, không đủ khả năng sản xuất hormone giáp dẫn đến suy giáp. Giai đoạn này có thể thoáng qua nhưng sau nhiều đợt tuyến giáp viêm và bị phá hủy, lượng tế bào tuyến giáp chết nhiều khiến người bệnh suy giáp vĩnh viễn.
Giai đoạn bình giáp (phục hồi): Sau giai đoạn cường giáp, nồng độ hormone tuyến giáp tạm thời trở về mức bình thường trước khi chuyển sang giai đoạn suy giáp hoặc có thể trở lại bình thường hoàn toàn.
Nếu nhận thấy các biểu hiện viêm tuyến giáp, người bệnh nên đến khám tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.