Bệnh cường giáp ảnh hưởng thai phụ thế nào

Thai phụ mắc bệnh cường giáp nếu không được phát hiện và điều trị có nguy cơ cao sẩy thai, tiền sản giật, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân.

Tuyến giáp nằm dưới cổ, có chức năng điều hòa hoạt động chuyển hóa. Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp (T4, T3) và ức chế hormone TSH (nồng độ TSH thấp).

ThS.BS Đỗ Trúc Anh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có khoảng 1-4/1.000 phụ nữ mang thai gặp tình trạng cường giáp.

Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp ở phụ nữ mang thai là bệnh Graves (rối loạn hệ miễn dịch kích thích tuyến giáp tăng sản xuất hormone) và nhiễm độc giáp thoáng qua khi mang thai (kết quả do gia tăng tạm thời lượng hormone tuyến giáp trong thời kỳ đầu mang thai).

Triệu chứng cường giáp ở thai phụ thường gồm nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, khó ngủ…

Theo bác sĩ Trúc Anh, cường giáp nếu không điều trị sớm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nồng độ hormone tuyến giáp cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ảnh hưởng quá trình mang thai: Thai phụ mắc cường giáp dễ bị tiền sản giật, nguy cơ cao sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân.

Thai phụ còn có nguy cơ xảy ra hai biến chứng là cơn bão giáp và suy tim sung huyết đều có thể gây tử vong.

Bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám tuyến giáp cho người bệnh. Ảnh: Đinh Tiên

Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường khám tuyến giáp cho người bệnh. Ảnh: Đinh Tiên

Rối loạn chức năng tuyến giáp thai nhi: Tuyến giáp của thai nhi có thể bị ảnh hưởng do bất thường về tuyến giáp của người mẹ. Thai phụ mắc cường giáp, kháng thể kháng tuyến giáp (TRAb) đi qua nhau thai, gây ra bệnh cường giáp ở thai nhi.

Thai nhi mắc cường giáp thường có các dấu hiệu như tim đập nhanh, chậm phát triển trong tử cung, suy tim, bướu cổ, bất thường về nước ối…

Bệnh cường giáp tiến triển xấu: Tình trạng cường giáp có thể diễn tiến xấu hơn trong thai kỳ do tăng nồng độ TRAb hoặc nồng độ cao hCG (hormone được nhau thai tiết ra) trong ba tháng đầu thai kỳ kích thích tuyến giáp. Người mẹ nghén, nôn nói dẫn đến giảm hấp thu thuốc điều trị cường giáp có thể khiến bệnh cường giáp tái phát trong thai kỳ.

Bác sĩ Trúc Anh cho biết thêm điều trị cường giáp ở phụ nữ đang mang thai tùy theo mức độ cường giáp. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc kháng giáp (thuốc giúp tuyến giáp giảm tiết hormone). Chọn thuốc kháng giáp ít ảnh hưởng đến thai nhi và được chỉ định dùng trong thai kỳ. Cần theo dõi chặt chẽ điều trị cường giáp thời kỳ mang thai.

Thai phụ nên làm các xét nghiệm chức năng tuyến giáp hàng tháng. Trường hợp người bệnh không thể điều trị bằng thuốc kháng giáp hoặc không sử dụng được thuốc (do tác dụng phụ), phẫu thuật cắt tuyến giáp là giải pháp thay thế. Phương pháp iod phóng xạ không được sử dụng để điều trị cường giáp cho phụ nữ mang thai vì nguy hiểm đến thai nhi.

Theo bác sĩ Trúc Anh, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, có triệu chứng bệnh cường giáp như bướu cổ, mắt lồi, đổ nhiều mồ hôi, run tay, cơ bắp yếu tim đập nhanh, dễ tiêu chảy…; từng xạ trị hoặc phẫu thuật tuyến giáp; yếu tố di truyền, cần đến bác sĩ chuyên khoa khám.

Phụ nữ mắc bệnh cường giáp cần thảo luận với bác sĩ về phương pháp điều trị trước khi mang thai. Người đã điều trị thành công bệnh cường giáp và có thai cần được theo dõi chặt chẽ, tái khám định kỳ.

Theo: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *