7 thói quen ngừa ung thư mỗi ngày

Duy trì tiêm vaccine đầy đủ, dinh dưỡng cân bằng, hạn chế chất kích thích mỗi ngày giúp giảm khả năng mắc nhiều loại ung thư ở vùng kín, nội tạng.

Theo bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, ung thư là nhóm các bệnh có cơ chế và nguyên nhân gây bệnh phức tạp. Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh không thể thay đổi được, ví dụ tiền sử gia đình, bệnh lý bẩm sinh và đột biến gen… Tuy vậy, việc duy trì một số thói quen nhất định sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư.

Tiêm vaccine

Một số loại virus như viêm gan B, HPV là tác nhân gây nhiều bệnh lý ung thư nguy hiểm với tỷ lệ cao. Việc chủng ngừa sẽ vừa giúp phòng bệnh, vừa giúp giảm khả năng mắc ung thư.

Ví dụ, vaccine viêm gan B có hiệu quả phòng viêm gan B lên đến 95%, làm giảm nguy cơ mắc xơ gan, ung thư gan về sau. Vaccine HPV có hiệu quả đến 94% phòng các chủng virus nguy cơ cao gây ung thư ở vùng sinh dục, hầu họng, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản, sùi mào gà.

Dinh dưỡng cân bằng

Nhiều nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn uống có liên quan và làm tăng nguy cơ ung thư. Ước tính khoảng 30-40% các bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa bằng lối sống và chế độ ăn uống khoa học như ăn đủ chất xơ, tiêu thụ protein nạc, sử dụng nguồn chất béo lành mạnh.

Dinh dưỡng cân bằng giúp cơ thể được bổ sung đủ chất, nâng sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch, từ đó ngừa ung thư tốt hơn. Ảnh: Freepik

Dinh dưỡng cân bằng giúp cơ thể được bổ sung đủ chất, nâng sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch, từ đó ngừa ung thư tốt hơn. Ảnh: Freepik

Mỗi người cần lựa chọn những thực phẩm tươi, tránh xa các món chứa cồn, rượu hoặc chất kích thích. Bữa ăn nên đa dạng nguồn dinh dưỡng, trong đó ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, lành mạnh như bơ, cá, dầu thực vật, rau quả và trái cây. Mọi người có thể thêm ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn.

Các thực phẩm cần hạn chế tiêu thụ gồm món chứa nhiều calo, nhiều đường tinh luyện, chất béo, dầu mỡ, muối, ví dụ thịt nguội, dăm bông, xúc xích, thực phẩm đóng hộp, đồ uống có ga…

Tránh các hoạt động không an toàn

Chiến thuật khác nhằm phòng bệnh hiệu quả là tránh các hành động có thể nhiễm trùng, tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để giảm thiểu lây nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, HPV; không dùng chung kim tiêm với người khác để tránh nhiễm HIV, viêm gan B và C. Trong đó, HIV/AIDS tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn, gan và phổi. Còn HPV liên quan ung thư cổ tử cung, dương vật, hầu họng, âm hộ, âm đạo; viêm gan gây xơ hóa dẫn tới ung thư gan.

Hạn chế các chất kích thích

Thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi, phế quản, vòm họng, thanh quản, tụy… Nghiên cứu cho thấy, người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi gấp 25 lần so với người không hút. Người hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư 20-30%.

Thường xuyên uống nhiều rượu, bia là thói quen gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và là nguyên nhân gây nhiều bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, nên cần hạn chế sử dụng rượu, bia.

Lối sống lành mạnh, tập thể dục

Có lối sống lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe tổng thể nói chung, trong đó có phòng chống ung thư. Lý do là sau khi vận động, thể chất và khả năng miễn dịch được tăng cường và khả năng mắc bệnh và tái phát bệnh giảm xuống.

Các bài tập như chạy bộ, bơi, yoga, đạp xe đều tốt cho sức khỏe. Mọi người có thể tập luyện hàng ngày, mỗi buổi kéo dài 30 phút hoặc tập luyện 75-150 phút một tuần, tránh ngồi quá lâu, có thể tranh thủ vận động như đi thang bộ thay cho thang máy, làm việc nhà.

Việc duy trì cơ thể cân đối cũng giúp phòng ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra béo phì tăng tỷ lệ tái phát ung thư gấp nhiều lần, phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 88%.

Các bài tập thể dục có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Các bài tập thể dục có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Tầm soát, khám sức khỏe định kỳ

Tầm soát ung thư là biện pháp giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường để điều trị bệnh từ giai đoạn đầu, thậm chí trước khi ung thư xảy ra. Ví dụ tầm soát ung thư cổ tử cung giúp xác định những tế bào bất thường, phát hiện trước khi các khối u phát triển và di căn. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp nhận biết những bất thường trong cấu trúc, hoạt động của tế bào tử cung để cảnh báo nguy cơ mắc ung thư trong tương lai. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ cho kết quả điều trị tốt, kiểm soát bệnh ổn định, giúp phụ nữ tiếp tục thiên chức mang thai, sinh con bình thường.

Tránh ánh nắng gay gắt

Theo các nghiên cứu, làn da có thể tổng hợp vitamin D từ tia UVB. Thời gian tia UVB xuyên qua tầng ozone nhiều nhất là khoảng từ 9h sáng đến 4h chiều. Tuy nhiên thời gian này, ánh mặt trời cũng có nhiều tia UVA gây hại, tăng nguy cơ ung thư da.

Do đó, để phòng ngừa ung thư, việc tắm nắng nên diễn ra trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài vào thời điểm trời nắng gắt, mọi người cần trang bị đồ bảo hộ để bảo vệ da và sử dụng kem chống nắng.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *