Mang thai có làm tuyến giáp tái phát và gây bệnh cho con?

Chị em sau điều trị rối loạn tuyến giáp mong muốn có con nhưng lại lo lắng sợ mang thai bệnh tái phát và nguy hiểm. Bên cạnh đó là băn khoăn bệnh tuyến giáp của mẹ có ảnh hưởng tới con?

Bác sĩ Nguyễn Khắc Hoàng, trưởng đơn vị điện quang can thiệp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết rối loạn tuyến giáp gây khó khăn trong việc thụ thai, vì nó gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt và các chức năng khác trong bộ phận sinh dục.

Khó khăn trong thụ thai và tăng nguy cơ sẩy thai

Cường giáp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả nam và nữ, là một trong số các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nhiều chị em.

Đối với nữ giới, biểu hiện trên hệ sinh dục là rối loạn kinh nguyệt, dễ bị rong kinh, thời gian trứng rụng bị thay đổi. Đối với nam giới, cường giáp làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng.

Khi tuyến giáp bị suy, nồng độ hormone tuyến giáp trở nên thấp hơn, chu kỳ kinh nguyệt dài hơn, thời gian rụng trứng ngắn lại và khó kiểm soát. Đồng thời, tình trạng rong kinh kéo dài dễ gây ra mất máu mạn tính khiến người bệnh dễ bị thiếu máu – đây cũng là một yếu tố nguy cơ làm giảm khả năng mang thai, tăng nguy cơ sẩy thai.

Hormone tuyến giáp thấp ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể, khiến chúng hoạt động bất thường. Đây là điều cực kỳ không tốt cho thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, khi cơ thể người mẹ cần phải thay đổi tích cực để thích ứng với sự phát triển của thai nhi.

Hơn nữa, đối với những người từng bị rối loạn chức năng tuyến giáp và điều trị khỏi, quá trình mang thai khiến cho nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều, khiến bệnh dễ tái phát.

Thông thường hormone tuyến giáp sẽ tiết ra nhiều và mạnh mẽ nhất vào khoảng tháng thứ 4-5 của thai kỳ để hỗ trợ sự phát triển tuyến giáp của thai nhi.

Do đó, sản phụ sẽ dễ bị cường giáp tái phát, thậm chí là cường giáp lần đầu trên những phụ nữ không có cường giáp trước đó.

Đối với suy giáp, do trong quá trình mang thai cơ thể người mẹ có thể bị tình trạng rối loạn miễn dịch, tự sinh ra các kháng thể tấn công tuyến giáp của bản thân gây tái phát suy giáp do tự miễn. Ngoài ra, thai kỳ còn có thể làm khởi phát một số tình trạng suy giáp khác không do tự miễn.

Nguyên nhân là do stress mãn tính, trầm cảm, không dung nạp thức ăn, và rối loạn đường huyết thai kỳ.

Những tác nhân này sẽ gây áp lực lên tuyến yên – tuyến điều hòa chức năng tuyến giáp, sự tiết sữa và chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này, tuyến yên sẽ mất khả năng liên lạc với tuyến giáp, hậu quả là suy giáp xảy ra.

Bệnh của mẹ có lây tới con?

Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết – đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh tuyến giáp của mẹ (gồm cường giáp – chủ yếu là Basedow và suy giáp – chủ yếu là viêm tuyến giáp Hashimoto) được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp, cũng như bệnh tật lâu dài thai nhi và trẻ sơ sinh.

Trong bệnh Basedow, nhiễm độc giáp ở thai nhi và trẻ sơ sinh do globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp đi qua nhau thai. Còn sự hiện diện của kháng thể ngăn chặn thụ thể hormone kích thích tuyến giáp có liên quan đến tình trạng suy giáp thoáng qua ở con.

Mang thai có làm tuyến giáp tái phát và gây bệnh cho con? - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân tuyến giáp – Ảnh: BSCC

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto của mẹ có liên quan đến suy giáp thoáng qua hoặc cường giáp trạng ở trẻ sơ sinh do sự di chuyển của các tự kháng thể tuyến giáp.

Chứng suy giáp ở mẹ đã được chứng minh là có liên quan đến các kết cục sản khoa bất lợi và suy giảm trí tuệ – thần kinh ở trẻ. Những quan sát này đã dẫn đến khuyến nghị duy trì giá trị TSH ở phụ nữ mang thai dưới 2,5 mU/L.

Ở hầu hết các nước phương Tây, sàng lọc tuyến giáp cho trẻ sơ sinh được làm thường quy, mục đích chính là điều trị sớm cho trẻ sơ sinh bị suy giáp bẩm sinh nguyên phát.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp phát hiện 4 trẻ mắc bệnh tuyến giáp, gồm 2 trẻ bị suy giáp bẩm sinh không liên quan đến bệnh tuyến giáp của mẹ, 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh gia đình thoáng qua và 1 trẻ mắc Basedow sơ sinh.

“Việc xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho tất cả trẻ sơ sinh có mẹ bị rối loạn chức năng tuyến giáp dường như là quá mạnh tay. Tuy nhiên, nếu đã có anh chị em ruột bị suy giáp bẩm sinh thì xét nghiệm chức năng tuyến giáp, ngoài sàng lọc tuyến giáp sơ sinh, được khuyến nghị” – bác sĩ Bảy nhấn mạnh.

Bướu cổ do suy giáp hoặc cường giáp khi mang thai đều không có lợi cho cả mẹ và bé. Một số biến chứng có thể gặp phải cho thai nhi là: cường giáp/suy giáp bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ sinh non, chậm phát triển trí tuệ, mắc các bệnh lý tự miễn…
Theo: tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *