Bệnh ung thư đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày nay tỷ lệ mắc bệnh ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa.
Vì vậy, việc hiểu biết về bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này là vô cùng quan trọng.
Ung thư đại tràng phát triển ở ruột già (đại tràng) hoặc trực tràng. Bệnh thường bắt đầu ở polyp hình thành ở thành trong ruột già và trực tràng. Qua thời gian, các polyp này có thể phát triển có thể ác tính hóa, trở thành ung thư đại tràng.
Trên thực tế đa số người bệnh ung thư đại tràng không biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh. Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u trong đại tràng.
Nhưng nhìn chung, ung thư đại tràng điển hình biểu hiện bằng đại tiện ra máu, lỏng phân lẫn máu như máu cá nhưng cũng có khi phân nhiều máu, đau bụng.
Bệnh nhân có thể đại tiện phân lỏng ngày một hoặc nhiều lần, cũng có thể táo bón.
Gầy sút là biểu hiện muộn, có thể chán ăn, buồn nôn. Đối với người lớn tuổi (>50 tuổi) khi có đại tiện phân máu thì trước khi chẩn đoán bị bệnh trĩ bao giờ cũng phải loại trừ người đó có ung thư đại trực tràng hay không.
Người bệnh ung thư đại tràng thường không biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh.
Phòng ung thư đại tràng như thế nào?
Câu hỏi được nhiều người thắc mắc liệu có phòng được ung thư đại tràng không? Trên thực tế có một số yếu tố nguy cơ ung thư không thể thay đổi như di truyền, tuổi tác; nhưng một số yếu tố khác có thể thay đổi được bằng cách thay đổi lối sống hoặc điều trị dự phòng.
Vì vậy, việc phòng ngừa không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Dưới đây là 5 lưu ý cần biết để phòng ung thư đại tràng
– Cần tạo thói quen ăn uống lành mạnh
Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua chế độ ăn khoa học, lạnh mạnh. Ưu tiên ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc. Trái cây, rau và ngũ cốc chứa vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể đóng vai trò trong phòng chống ung thư. Ăn đa dạng các loại trái cây và rau quả để được cung cấp đầy đủ các vitamin và chất dinh dưỡng.
Hạn chế ăn thịt đỏ, vì các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng.
Nghiên cứu cho thấy ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. Nhất là thức ăn chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.
Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Cần khám sức khỏe định kỳ và tầm soát phát hiện sớm ung thư đại tràng 6 tháng/lần.
– Hạn chế đồ uống chứa cồn
Thức uống chứa cồn như rượu, bia làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Vì vậy cần hạn chế uống bia rượu, nếu uống rượu, hãy giới hạn lượng rượu uống không quá một ly mỗi ngày.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo không nên uống nhiều hơn 2 ly mỗi ngày cho nam giới và 1 ly mỗi ngày cho phụ nữ.
– Không hút thuốc lá
Mọi người chỉ nghĩ thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Nhưng các nghiên cứu cho thấy thuốc lá là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
Vì vậy, cần tránh hút thuốc và hãy cai thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư đại tràng và giảm nguy cơ nhiều loại ung thư khác như ung thư phổi, ung thư hạ họng…
– Cần thường xuyên vận động, tập thể dục
Ít vận động có thể tăng nguy cơ gây ung thư đại tràng. Vì vậy, cần tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ này. Các khuyến cáo cho thấy hãy tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày. Tập luyện thường xuyên còn giúp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở cả nam và nữ, nhưng nam giới có nguy cơ cao hơn. Vì vậy, cần kiểm soát cân nặng, không để thừa cân béo phì, giữ mức cân nặng khỏe mạnh và tránh tăng cân vùng giữa cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ các bệnh trong đó có ung thư. Nếu cần giảm cân, hãy đến bác sĩ để được tư vấn về những phương pháp lành mạnh giúp đạt được mức cân nặng mong muốn. Giảm cân từ từ bằng cách tăng số lượng bài tập và giảm số lượng calo ăn vào.
– Kiểm soát và điều trị các bệnh lý tiêu hóa và khám sức khỏe định kỳ
Cần khám sức khỏe định kỳ và tầm soát phát hiện sớm ung thư đại tràng 6 tháng/lần. Bởi ung thư đại tràng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Các khuyến cáo là những người trên 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng, hoặc sớm hơn ở những người có yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng.
Hiện việc tầm soát ung thư đại tràng đã trở nên dễ dàng và hiệu quả vì vậy, nếu phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm trước khi các triệu chứng xuất hiện thì việc điều trị sớm, nâng cao khả năng chữa khỏi và hồi phục.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.