Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Việc can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm sẽ giúp cho bệnh nhân ung thư có sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.
Khi cơ thể khỏe mạnh, ăn đa dạng thực phẩm để có đủ chất dinh dưỡng và calo cần thiết thường không phải là vấn đề khó khăn.
Nhưng khi đang điều trị ung thư, những điều này có thể khó thực hiện do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là khi có tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.
Dinh dưỡng đúng, đủ và sớm giúp ích gì cho người bệnh ung thư?
Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng và sức khỏe thật tốt vừa để chiến đấu với căn bệnh, vừa có thể đáp ứng được các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị… và giúp người bệnh hồi phục sau điều trị thành công.
4 nhóm thực phẩm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ cân đối. Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi và các sản phẩm ngũ cốc không xay xát, chế biến quá kỹ. Giảm bớt lượng thịt đỏ, đặc biệt là các loại thịt được chế biến công nghiệp hoặc nhiều chất béo; Ăn lượng chất béo vừa phải; ăn ít đường, muối; duy trì cân nặng ở mức thích hợp.
Việc can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm trong ung thư giúp:
- Ngăn ngừa hoặc điều chỉnh các thiếu hụt dinh dưỡng như sụt cân, mất khối nạc.
- Đạt được và duy trì thể trọng tối ưu.
- Tăng khả năng dung nạp với các phương pháp điều trị chống khối u.
- Giảm thiểu các tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn của việc điều trị.
- Giúp hệ miễn dịch chiến đấu với nhiễm khuẩn.
- Giúp cơ thể hồi phục và làm lành vết thương.
- Cải thiện tiên lượng, tăng khả năng hồi phục.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguyên tắc dinh dưỡng chung cho bệnh nhân ung thư
Để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo 4 nhóm thức ăn và uống đủ nước. Không phải ăn uống đủ dinh dưỡng là “cung cấp thêm chất đạm làm khối u to nhanh, chỉ ăn chay hoặc gạo lứt – muối mè khối u sẽ nhỏ lại” như nhiều người vẫn lầm tưởng, mà phải ăn đủ dinh dưỡng mới có đủ sức khỏe để chữa bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh chịu khó vận động, tránh nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn; đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ lo lắng quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
Một số loại dưỡng chất cần đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân ung thư:
Đạm
Thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu giúp tái tạo các tổ chức bị tổn thương và tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp tăng cường sức đề kháng. Khi cơ thể không nhận đủ protein nó sẽ tự tiêu cơ bắp để lấy nhiên liệu cần thiết. Điều này làm cơ thể chậm và khó phục hồi sau khi bị bệnh và dễ mắc các nhiễm khuẩn.
Người mắc bệnh ung thư thường cần nhiều đạm hơn bình thường, đặc biệt là sau phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Tinh bột
Là nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt hay xay xát không quá kỹ, các loại củ. Cần chế biến mềm để người bệnh dễ ăn và dễ tiêu hóa.
Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt), gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư.
Chất béo
Là thành phần cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc màng tế bào, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) có rất nhiều vai trò trong việc duy trì sức khỏe và chống lại các tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Nên ăn cả dầu và mỡ, lượng dầu ăn nên chiếm 2/3 tổng chất béo.
Rau quả
Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên chọn và sử dụng các loại rau, quả đúng vụ, đúng. Mỗi ngày nên ăn 2-3 loại rau (gồm cả rau xanh và rau củ) và 2-3 loại quả chín.
Nước
Nước có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Chức năng của nước đối với cơ thể bao gồm: Vận chuyển các chất dinh dưỡng, vận chuyển và đào thải các sản phẩm của chuyển hóa, giúp hình thành các cấu trúc và hình thái tế bào, duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể, duy trì cân bằng các chất điện giải.
Chất chống oxy hóa
Trong quá trình hoạt động quá sản và loạn sản của tế bào ung thư, phản ứng oxy hóa tạo ra các gốc tự do mạnh và nhiều hơn. Cần bổ sung các thành phần chống oxy hóa để hỗ trợ cơ thể dọn dẹp gốc tự do. Các chất chống oxy hóa bao gồm Beta-Caroten, VitaminC, Vitamin E, Lycopen, Selen và kẽm…
Hầu hết các tác dụng phụ có liên quan đến ăn uống của phương pháp điều trị ung thư sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài trong một thời gian. Ăn uống tốt, đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh lấy lại sức mạnh, niềm tin, xây dựng lại mô và hồi phục thể trạng tốt để chiến thắng bệnh tật.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.