Nếu bạn đang chiến đấu với bệnh ung thư phổi thì một lối sống lành mạnh có thể giúp giữ được một sức khỏe tốt trong và sau khi điều trị. Dưới đây là những thói quen giúp người đang điều trị ung thư phổi có chất lượng sống tốt.
Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, việc nâng cao sức khỏe của bạn bằng cách phát triển các thói quen lành mạnh giúp người bệnh đối phó tốt hơn với việc điều trị và bất kỳ tác dụng phụ nào mà người bệnh có thể gặp phải. Chế độ dinh dưỡng tốt, tập thể dục và các thói lành mạnh khác có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh trong quá trình điều trị ung thư.
Sống lành mạnh có lợi ích lớn khi điều trị ung thư phổi
Chế độ dinh dưỡng tốt, tập thể dục và các hoạt động giảm căng thẳng có thể giúp bệnh nhân đối phó với ảnh hưởng của bệnh ung thư và điều trị ung thư phổi. Trên thực tế, một số phương pháp điều trị ung thư hoạt động tốt hơn khi ăn uống đầy đủ, vận động nhiều hơn và loại bỏ các thói quen xấu khác như hút thuốc, rượu bia,… Lối sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu một số tác dụng phụ trong điều trị ung thư, bao gồm: mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,…
6 thói quen lành mạnh để giữ sức khỏe trong và sau điều trị ung thư phổi
Sống lành mạnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trong và sau khi điều trị ung thư phổi. Đối với một số người, việc phát hiện ra mình bị ung thư phổi thúc đẩy họ tập trung quan tâm đến sức khỏe của mình. Nhưng đối với một số người lại thật khó để thực hiện những thói quen mới, lành mạnh. Vì thế để giúp bệnh nhân phát triển một lối sống lành mạnh, có thể tham khảo năm thói quen lành mạnh sau:
1. Ngưng ngay nếu hút thuốc
Thói quen hút thuốc của nhiều nam giới có hại cho sức khỏe nhất là bệnh ung thư trong đó có ung thư phổi. Ngay cả khi đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, nếu có hút thuốc người bệnh ngay lập tức khi từ bỏ hút thuốc, bởi chúng sẽ có lợi ích như: Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim và huyết áp cao. Cải thiện chức năng của phổi và hệ hô hấp của người bệnh.
2. Ăn uống điều độ
Chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư phổi. Ăn đúng loại thực phẩm có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, khỏe hơn và chống lại nhiễm trùng. Nếu người bệnh không biết hay băn khoăn về chế độ ăn uống của mình, có thể hỏi ý kiến của bác sĩ và sẽ lên cho bạn một kế hoạch ăn uống đáp ứng nhu cầu riêng.
3. Năng vận động
Hoạt động thể chất có thể giúp người bệnh giảm mệt mỏi, cải thiện tâm trạng và duy trì cân nặng hợp lý. Ngay cả những hoạt động ngắn như đi bộ nhẹ nhàng hoặc duỗi cơ nhẹ nhàng cũng sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh ở giai đoạn đang điều trị và sau điều trị ung thư phổi.
4. Luôn cởi mở chia sẻ những băn khoăn
Ngoài sức khỏe thể chất, điều cần thiết là phải giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tinh thần và cảm xúc của người bệnh. Người bệnh có thể nói chuyện chia sẻ với bác sĩ điều trị, điều dưỡng hoặc những bệnh nhân ung thư khác,…về những lo lắng, buồn phiền mà mình đang trải qua. Điều này sẽ giúp tâm trí được giải tỏa, ưu phiền sẽ được giảm đi phần nào giúp bệnh nhân có năng lượng chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
5 Luôn suy nghĩ tích cực
Không chỉ người bệnh mà cả bản thân người nhà của bệnh nhân cũng phải giữ cho mình sự ổn định về mặt tâm lý. Nhiều người có tâm lý hoang mang, sợ hãi khi nói đến bệnh ung thư. Thế nhưng, càng hoang mang bao nhiêu, càng lo lắng bấy nhiêu, chỉ càng làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Việc giữ cho mình tâm lý ổn định, không chỉ giúp cho quá trình điều trị có thêm những thuận lợi, mà còn giúp cho cơ thể có thể sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch hơn, từ đó có thể nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể có khả năng tự chiến đấu với bệnh. Việc luôn giữ tâm trạng ổn định, thư thái, suy nghĩ lạc quan, tích cực cũng góp phần rất lớn vào việc chiến đấu chống lại bệnh ung thư.
6. Tuân thủ theo các phương pháp điều trị
Nhiều người bệnh có tâm lý là “có bệnh thì vái tứ phương” nên ngoài các biện pháp điều trị ở bệnh viện, còn tự ý mua thuốc nam, thuốc bắc cho người bệnh uống. Điều này cực kỳ nguy hiểm và không nên. Hãy tuân thủ triệt để theo chỉ dẫn của bác sĩ tại các bệnh viện nơi người bệnh điều trị. Tóm lại: Cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư phổi nói riêng và các bệnh ung thư khác nói chung luôn rộng mở với tất cả các bệnh nhân. Đối với bất kỳ loại bệnh ung thư nào, kể cả ung thư phổi, việc phát hiện sớm bệnh bao nhiêu càng có cơ hội chữa khỏi bệnh bấy nhiêu. Tuy nhiên, nhiều dấu hiện ban đầu của bệnh thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Do đó, mỗi cá nhân nên trang bị thêm cho bản thân kiến thức về bệnh, đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để luôn cập nhật trạng thái sức khỏe một cách chính xác nhất.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.