6 thói quen phòng ngừa ung thư phổi

Bỏ hút thuốc lá, tránh khói thuốc thụ động, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, tầm soát thường xuyên có thể giảm nguy cơ ung thư phổi.

Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào ác tính hình thành trong các mô của phổi. Có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Một số thói quen lành mạnh góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bỏ hút thuốc

Hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút.

Tỷ lệ mắc bệnh cũng khác nhau tùy thuộc số lượng hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Người càng hút thuốc nhiều thì nguy cơ ung thư phổi càng cao. Bỏ thuốc lá là một trong những biện pháp đầu tiên để giảm nguy cơ ung thư phổi.

Ngoài hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc thụ động thường xuyên cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục, thể thao đều đặn, tránh ngồi nhiều là thói quen lành mạnh cho sức khỏe tổng thể, bao gồm cả hệ hô hấp. Chế độ ăn uống cân đối, không hút thuốc lá kết hợp tập thể dục góp phần giảm khả năng phát triển bệnh.

Mỗi người nên tập thể dục ít nhất ba lần một tuần với bài tập như đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe.

 
Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, chức năng hệ hô hấp, góp phần giảm nguy cơ ung thư phổi. Ảnh: Freepik

Tập thể dục tăng cường sức khỏe tổng thể, chức năng hô hấp. Ảnh: Freepik

Kiểm tra nồng độ radon tại nơi ở

Radon cũng gây ung thư phổi nhưng khó nhận biết. Đây là loại khí không màu, không mùi, nguy hiểm cho sức khỏe, sinh ra do sự phân hủy uranium trong đất và đá. Radon có thể thấm qua mặt đất, đi vào nguồn cung cấp không khí, nước hay các vết nứt trên sàn, tường hoặc móng nhà.

Bộ dụng cụ kiểm tra nồng độ radon có thể bảo vệ gia đình tránh tiếp xúc với loại khí này.

Tránh hóa chất tại nơi làm việc

Tiếp xúc với một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Chúng bao gồm amiăng, asen, crom, niken, berili, cadimi, hắc ín. Trong một số trường hợp, tiếp xúc với bức xạ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nó có thể đến từ liệu pháp xạ trị hoặc hóa trị để điều trị ung thư.

Tầm soát ung thư phổi

Người có tiền sử nghiện hút thuốc lá hoặc có người thân mắc bệnh có thể tầm soát ung thư phổi. Phương pháp này hỗ trợ phát hiện bệnh sớm, thời điểm mà ung thư có khả năng điều trị hiệu quả hơn so với giai đoạn tiến triển.

Xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi phổ biến thường là chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp. Người từ 50 đến 80 tuổi có tiền sử nghiện hút thuốc nên tầm soát mỗi năm một lần. Người đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc chưa đầy 15 năm cũng nên sàng lọc.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh hỗ trợ phòng ngừa biến chứng và tiến triển ở người đã mắc bệnh. Ăn thực phẩm giàu vitamin E như hạnh nhân, bơ và xoài; chất béo và đường điều độ; uống nhiều nước có lợi cho sức khỏe. Trái cây, rau quả như rau họ cải, cà chua, nghệ có thể bảo vệ và tăng cường chức năng phổi ở người hút thuốc.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *