Chán ăn, mệt mỏi, sụt cân bất thường, đau sưng vùng bụng phải và nước tiểu sẫm màu là những triệu chứng ung thư gan giai đoạn sớm.
TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ung thư gan ở giai đoạn muộn thường không có biện pháp điều trị triệt để, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, nguy cơ tử vong cao. Trong khi ung thư gan nguyên phát, giai đoạn sớm triệu chứng không điển hình, diễn tiến âm thầm, khó phát hiện.
Bác sĩ Khanh chỉ ra một số dấu hiệu ung thư gan giai đoạn đầu thường gặp dưới đây.
Vàng da và vàng mắt là triệu chứng điển hình của ung thư gan do nồng độ bilirubin (sắc tố màu nâu vàng) tăng cao trong máu. Vàng da xảy ra khi khối u lớn nằm gần ống mật chủ gây chèn ép từ bên ngoài hoặc xâm lấn vào ống mật, gián đoạn dòng chảy của mật. Tình trạng này cũng có thể do ung thư gan trên nền xơ gan dẫn tới suy gan.
Triệu chứng giống cảm cúm như sốt, yếu cơ, mệt mỏi quá mức có thể xuất hiện ở người bệnh ung thư gan. Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau đầu, ớn lạnh hoặc ra nhiều mồ hôi.
Nước tiểu sẫm màu có thể do nhiều yếu tố tạm thời như uống kháng sinh hoặc nước ngọt. Tình trạng này kéo dài không cải thiện có thể cảnh báo nhiễm trùng tiết niệu hoặc ung thư gan. Nồng độ bilirubin trong máu cao làm nước tiểu chuyển sang màu vàng hoặc như nước chè đặc.
Đau và sưng vùng bụng trên, hạ sườn phải: Ung thư giai đoạn đầu ít biểu hiện triệu chứng, tiến triển âm thầm nhưng vẫn gây ra các tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng gan. Khối u to chèn ép vào bao gan làm xuất hiện triệu chứng đau vùng bụng. Người bệnh cũng dễ bị sưng bụng, chướng bụng.
Mệt mỏi, chán ăn là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi cơ thể có vấn đề bất thường, theo bác sĩ Khanh. Mệt mỏi do làm việc quá sức thường cải thiện sau khi nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng mệt mỏi do ung thư gan có xu hướng kéo dài và gia tăng tần suất.
Triệu chứng này có thể do rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu dinh dưỡng dẫn đến cơ thể không đủ năng lượng. Tế bào gan bị tổn thương làm suy giảm chức năng gan cũng dẫn đến rối loạn chuyển hóa.
Đau vai cũng có thể cảnh báo ung thư gan. Các tế bào ung thư kích thích các dây thần kinh gây ra các cơn đau ở bụng, bả vai và có thể lan đến lưng. Người thường xuyên đau vai nhưng không rõ nguyên nhân nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác.
Đau vùng thượng vị: Người bị ung thư gan có thể xuất hiện triệu chứng đau vùng thượng vị, một vùng nằm trên rốn và dưới mũi xương ức. Cơn đau ở vùng thượng vị khó để nhận biết rõ ràng, có thể âm ỉ hoặc dữ dội, đôi khi đau nhói ra phía sau lưng.
Đau vùng thượng vị cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ.
Da nhiều mụn: Đây có thể là hiện tượng bình thường trong giai đoạn dậy, thay đổi nội tiết tố… Tuy nhiên, khi tế bào ung thư gan hình thành, quá trình thanh lọc độc tố suy giảm, các chất độc tích tụ nhiều làm xuất hiện mụn trứng cá. Tế bào ung thư cũng ảnh hưởng đến hormone gây mất cân bằng nội tiết.
Ngứa là dấu hiệu quen thuộc của nhiều vấn đề sức khỏe nhưng có thể xảy ra khi rối loạn chức năng gan. Người mắc bệnh gan mạn tính, xơ gan, ống mật lớn bị tắc nghẽn, ứ mật do axit mật tràn vào hệ tuần hoàn dễ ngứa da toàn thân.
Theo bác sĩ Khanh, ung thư gan phát hiện ở giai đoạn đầu có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhờ kỹ thuật mới như đốt sóng cao tần. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, khối u kích thước lớn hoặc nhiều khối u cùng lúc, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bổ trợ hạn chế tiến triển ung thư bằng phương pháp nút mạch.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo mọi người nên theo dõi các thay đổi bất thường trên cơ thể, nếu triệu chứng kéo dài quá hai tuần cần đến bác sĩ khám. Chủ động khám sức khỏe định kỳ, nhất là người có nguy cơ cao. Ung thư gan được phát hiện chủ yếu thông qua siêu âm, chụp CT hoặc cộng hưởng từ.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.