Ung thư lưỡi dễ nhầm với nốt nhiệt miệng, nhận biết thế nào?

Ung thư lưỡi là căn bệnh phức tạp và nghiêm trọng, mà biểu hiện bệnh lại dễ tương đồng với hội chứng nhiệt miệng lành tính 20% dân số mắc. Vậy phải phân biệt, nhận biết tổn thương sớm ung thư lưỡi cách nào?

Nốt nhiệt miệng có thể chính là ung thư lưỡi - Ảnh minh họa

Nốt nhiệt miệng có thể chính là biểu hiện ung thư lưỡi

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn – giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết có đến 20% dân số trên thế giới thường mắc phải triệu chứng nhiệt miệng thông thường. Nhiệt miệng được đánh giá là loại bệnh nhẹ, lành tính, có thể điều trị nhanh chóng bằng một số loại thuốc đặc trị, cải thiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.

Dấu hiệu của nhiệt miệng là mụn nước xuất hiện ở lưỡi, môi, lợi hay má trong. Khi bị tác động mạnh, mụn nước bị vỡ, hình thành vết lở loét. Hình dáng của vết lở loét thường có hình tròn hay bầu dục, đáy màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, viền xung quanh màu đỏ tươi.

Vết loét của nhiệt miệng gây khó chịu, đau và khó khăn cho người bệnh khi ăn uống, sinh hoạt. Cơ chế tự phục hồi sẽ nhanh chóng chữa vết loét, tái tạo và làm lành tổn thương.

Ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng, chiếm 30 – 40%.

Đây là một căn bệnh tương đối phức tạp và nghiêm trọng. Theo thống kê, ung thư khoang miệng chiếm 10 – 12% trong tổng số các bệnh ung thư. Ung thư lưỡi chiếm 52% trong tổng số các bệnh ung thư khoang miệng.

Ung thư lưỡi có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn nhất, tỉ lệ sống từ 5 năm chỉ khoảng 8%. Số liệu này cho thấy mức độ nguy hiểm của chứng bệnh này.

Ở giai đoạn đầu thường khó phát hiện bệnh ung thư lưỡi. Hầu hết dấu hiệu của bệnh đều dễ nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng. Khoang miệng, đặc biệt là lưỡi xuất hiện dấu hiệu lở loét kéo dài nhưng không mang cảm giác đau.

Người bệnh hay có cảm giác bộ phận lưỡi bị dị vật cắm vào gây khó chịu. Ở một số người còn có triệu chứng bị nổi hạch ở hàm dưới hoặc vùng cằm. Sau giai đoạn sơ phát, người bệnh sẽ cảm nhận được sự bất thường rõ ràng hơn ở vùng lưỡi.

Những cơn đau bắt đầu kéo dài khi nhai, nói, đặc biệt khi tiêu thụ thức ăn cay, nóng. Hiện tượng loét kéo dài tạo ra tổn thương hoại tử, khiến hơi thở có mùi hôi thối và nước bọt lẫn máu.

Lúc này, vết loét ở lưỡi không còn xuất hiện đơn lẻ. Chúng phát triển thành các ổ loét có kích thước to, tổn thương nặng. Ổ loét hình thành mủ máu, hình dạng nham nhở, dễ bị chảy máu khi có va chạm nhẹ. Đôi khi, người bệnh còn gặp tình trạng khít hàm, gây khó nói và nuốt.

Ung thư lưỡi phát triển đến giai đoạn cuối ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Người bệnh trong giai đoạn này sụt cân rõ rệt vì đau đớn và không thể tiếp nhận nhiều thức ăn được đưa vào bằng đường miệng.

Tổn thương dạng u bắt đầu trồi lên bề mặt lưỡi thành những mảng cứng. Lúc này bộ phận lưỡi bị cứng, khó hoạt động. Hiện tượng đau và chảy máu xuất hiện liên tục.

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư lưỡi tại Bệnh viện K - Ảnh: BVCC

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư lưỡi tại Bệnh viện K – Ảnh: BVCC

Các dạng tổn thương lưỡi dễ gây ung thư

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, cho biết triệu chứng ung thư lưỡi thường nghèo nàn và hay bị bỏ qua, khó nhận thấy trên từng giai đoạn bệnh. Các tổn thương tiền ung thư lưỡi hay gặp các loại bạch sản, hồng sản, xơ viêm dưới niêm mạc.

Các tổn thương này dễ chuyển thành ung thư khi có các tác nhân tác động vào. Bạch sản có nguy cơ trở thành ác tính là 6%, dạng phẳng khoảng 5%, dạng mụn cơm là 10%, dạng loét là 15 – 20%, dạng liken phẳng thoái hóa là 5%.

Một nghiên cứu hơn 3.000 trường hợp bạch sản khoang miệng có 12,3% loạn sản nhẹ và vừa, 4% loạn sản này là ung thư biểu mô tại chỗ và 3,1% là ung thư biểu mô xâm lấn. Với hồng sản tỉ lệ ung thư hóa là 1/3.

Ở giai đoạn đầu triệu chứng nghèo nàn hay bị bỏ qua. Biểu hiện cơ năng, người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Khám lưỡi thấy ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ.

Sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Hạch xuất hiện sớm, khoảng 50% có hạch ngay từ đầu, hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao.

Ba loại tổn thương ở giai đoạn sớm có thể gặp:

– Thể nhú sùi (tạo thành thương tổn hình đồng xu, màu ghi, hồng, sờ vào thấy mềm và không thâm nhiễm);

– Thể nhân (tạo thành một nhân nhỏ cứng, nằm dính dưới niêm mạc, niêm mạc hơi bị đội lên, đôi khi mất nhẵn bóng hoặc vỡ ra);

– Thể loét (là một đám loét rất nông khó nhận thấy, giới hạn không rõ, được bao bọc bởi một vùng đỏ xung huyết, tổn thương này thường đau và không thâm nhiễm).

Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt. Toàn thân: sốt do nhiễm trùng, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh.

Cơ năng: Đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; Tăng tiết nước bọt; Chảy máu: Nhổ ra nước bọt lẫn máu; Hơi thở hôi thối: Do hoại tử tổn thương gây ra; Một số trường hợp khít hàm, cố định lưỡi khiến bệnh nhân nói và nuốt khó khăn.

Khám lưỡi thấy ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phù giả mạc chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động hoặc không di động được.

Ung thư lưỡi có thể được điều trị bằng phương pháp hóa trị, xạ trị. Khả năng kiểm soát: 90% với giai đoạn I, 70% với giai đoạn II, 50% với giai đoạn III.
 
Trường hợp khối u phát triển nhanh và nhiều, người bệnh phải tiến hành phẫu thuật bỏ một phần lưỡi để bảo vệ tính mạng. Do đó, khi khoang miệng xuất hiện các dấu hiệu bất thường, điển hình như bị loét lưỡi nhưng không thấy đau và kéo dài, cần đến nhanh các đơn vị bệnh viện để thăm khám.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *