Uống rượu bia gây trào ngược dạ dày, thừa cân béo phì làm rối loạn chuyển hóa và viêm kéo dài có thể dẫn đến ung thư thực quản.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) năm 2020, ung thư thực quản có tỷ lệ tử vong cao thứ 6 trong các loại ung thư. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, đã di căn nên điều trị khó khăn, hiệu quả không cao. Biết các yếu tố nguy cơ gây bệnh dưới đây giúp bạn phòng ngừa, điều trị bệnh tốt hơn.
Thường xuyên uống rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (phần trên và giữa của thực quản). Rượu bia là nguyên nhân dẫn đến các đợt ợ nóng, trào ngược, kích ứng niêm mạc thực quản gây sưng và viêm. Triệu chứng có xu hướng trầm trọng hơn nếu người bệnh tiếp tục uống bia. Vết loét tiến triển nhanh gây đau khi nuốt, nôn mửa và chảy máu.
Hút thuốc lá gồm hút thuốc lá chủ động và thụ động là nguy cơ gây ung thư thực quản hàng đầu. Độc tố trong thuốc lá ảnh hưởng đến hệ thống thanh quản, khí quản, phổi. Nó còn xâm nhập tới thực quản gây ra các biến đổi có thể dẫn đến ung thư. Thuốc lá còn là yếu tố dẫn đến ung thư phổi, ung thư vùng đầu cổ, bệnh crohn, trào ngược dạ dày thực quản.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học với thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Ăn thực phẩm chế biến ở nhiệt độ trên 60 độ C có thể dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gai thực quản. Bởi nhiệt độ cao gây tổn thương niêm mạc thực quản. Chế độ ăn thiếu chất xơ, vitamin từ rau, trái cây cũng không tốt cho sức khỏe.
Người bệnh trào ngược dạ dày, thực quản và barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào tuyến thực quản cao hơn người bình thường. Trào ngược axit dạ dày vào thực quản kéo dài dễ làm tổn thương niêm mạc thực quản. Các tế bào niêm mạc thực quản dễ bị thay đổi tính chất, dẫn đến bệnh barrett thực quản. Theo thống kê người mắc bệnh barrett thực quản có nguy cơ ung thư thực quản tăng gấp 30 lần so với dân số chung.
Người thừa cân, béo phì dễ bị ung thư biểu mô tế bào tuyến thực quản hơn. Người béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 30) có khả năng mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, viêm mạn tính. Theo thời gian, những bệnh này làm tổn thương DNA dẫn đến ung thư.
Mỡ thừa ở vùng bụng tạo áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới khiến vòng cơ thực quản yếu đi, axit từ dạ dày dễ trào ngược. Lâu ngày sẽ biến đổi thành barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Những người cắt dạ dày, viêm teo dạ dày, co thắt tâm vị, tiền ung thư vòm hầu, hốc miệng, ung thư thanh quản, nhiễm virus HPV… cũng thuộc nhóm mắc bệnh cao.
Theo bác sĩ Hùng ung thư thực quản giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ. Đi khám sớm nếu xuất hiện triệu chứng như nuốt nghẹn, khó nuốt, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, đau tức vùng ngực sau xương ức khi nuốt, nôn ói, tăng tiết nước bọt.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.