Khi kết thúc điều trị, ai cũng mong muốn để lại ung thư ở phía sau và quay trở lại cuộc sống bình thường. Đây là khoảng thời gian bạn chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình, tập trung vào sức khỏe và từ bỏ thói quen không lành mạnh.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Bác sĩ Trịnh Thế Cường, khoa hóa trị Bệnh viện E, cho biết dinh dưỡng có vai trò quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả điều trị của người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt biến chứng, trong đó có tác động đến tình trạng dinh dưỡng.
Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến việc đáp ứng điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục tình trạng suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.
Đa phần bệnh nhân do thiếu hiểu biết, lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát nên không dám ăn uống, thực hiện chế độ ăn thực dưỡng dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như không đủ sức khỏe để điều trị bệnh ung thư.
Một kế hoạch thực đơn dinh dưỡng hoàn chỉnh sẽ góp phần tăng thể lực, sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ung thư, cần lưu ý đảm bảo các chất dinh dưỡng theo nhu cầu dinh dưỡng. Tiêu thụ năng lượng ở người bệnh ung thư rất lớn, nhu cầu tối thiểu cần đạt 25-30kcal/kg/ngày. Trong một số trường hợp có thể phải lên đến 40-50kcal/kg/ngày, trong đó:
– Protein: 1,2-1,5g/kg/ngày, chiếm 15-20% tổng năng lượng. Protein động vật chiếm 30-50% tổng số protein
– Lipid: 18-25% tổng năng lượng
– Glucid: 60-70% tổng năng lượng
– Vitamin, khoáng chất và chất xơ: ăn theo nhu cầu của người bình thường khỏe mạnh
– Nước: 2-3 lít mỗi ngày
Lựa chọn thực phẩm
Nhiều bệnh nhân sau quá trình phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… có thể gặp phải tình trạng chán ăn, mệt mỏi dẫn đến cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng làm sức khỏe suy yếu. Do đó, việc lựa chọn loại thực phẩm để cải thiện sức khỏe cần được chú trọng:
– Ăn nhiều rau, hoa quả sạch: Có bằng chứng mạnh mẽ rằng ăn nhiều đồ ăn có nguồn gốc thực vật làm giảm nguy cơ ung thư nói chung. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng những người ăn nhiều trái cây, rau quả, ít thịt và mỡ động vật có tỉ lệ mắc ung thư thấp hơn như ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú và dạ dày.
Chất phytochemical, cũng được tìm thấy trong trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc, là những hợp chất có thể cản trở hoạt động của chất gây ung thư và hỗ trợ các tế bào ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
– Ăn ít thịt đỏ, không ăn thịt chế biến sẵn: Hiện nay có một bằng chứng rõ ràng rằng ung thư ruột phổ biến hơn ở những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến nhất. Tiêu thụ thịt chế biến cũng có liên quan mạnh mẽ đến nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn.
Thịt chế biến sẵn như: giăm bông, thịt xông khói… được WHO phân vào nhóm gây ung thư nhóm 1, có nghĩa là có bằng chứng mạnh mẽ gây ung thư.
Thịt đỏ như: thịt bò, thịt cừu, thịt lợn… có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vì các chất tự nhiên hình thành trong quá trình tiêu hóa làm biến đổi tế bào biểu mô ruột gây ung thư. Thịt đỏ là một nguồn quan trọng của sắt, kẽm, vitamin B12 và protein nên bác sĩ không khuyên hạn chế thịt đỏ cho bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đã điều trị ung thư xong nên hạn chế lượng thịt đỏ sử dụng.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, Hội đồng Ung thư Mỹ khuyên bạn nên ăn không quá 455g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Điều này tương đương với 700g thịt sống. Đây có thể là một khẩu phần nhỏ 65g thịt nấu chín mỗi ngày hoặc 2 khẩu phần (130g) 3-4 lần một tuần.
Thịt gia cầm chưa có bằng chứng liên quan đến nguy cơ ung thư. Ăn cá giảm nguy cơ ung thư.
– Ăn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất: Bệnh nhân ung thư nên bổ sung đủ vitamin, khoáng chất, nguyên tố vi lượng giúp cơ thể tăng đề kháng, tránh bệnh tái phát và phòng chống các bệnh khác. Đặc biệt, selen và beta carotene là hai chất có khả năng phòng chống ung thư.
Selen có nhiều trong các loại cá biển như cá thu, cá ngừ, cá hồi, nấm, lòng đỏ trứng và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Beta carotene là tiền chất vitamin A, có nhiều trong rau củ quả màu vàng, cam và rau màu xanh đậm.
Đặc biệt nên ăn các thực phẩm giàu vitamin D có trong cá hồi, cá mòi, nước cam tăng cường, sữa và ngũ cốc tăng cường. Nghiên cứu cho thấy vitamin D, cũng đến từ ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa ung thư và có thể làm giảm nguy cơ tái phát và cải thiện khả năng sống sót.
– Không dùng thực phẩm bị hư hỏng, đặc biệt các loại thực phẩm bị mốc bởi một số chất gây ung thư đáng chú ý nhất là aflatoxin và nitrosamin có mặt trong các loại thực phẩm này.
Aflatoxin là độc tố do mốc aspergillus flavous tạo ra, gặp ở thực phẩm bị mốc do điều kiện bảo quản không hợp lý. Aflatoxin là độc tố gây ung thư gan ở người. Nitrosamin được hình thành ở ruột non do sự kết hợp giữa nitrit và các acid amin. Các nitrit thường có một lượng nhỏ trong thực phẩm, mặt khác một số ít người còn dùng bảo quản thịt, cá và các thực phẩm được chế biến sẵn chống ôi thiu, trong dưa cà khú hỏng…
– Hạn chế uống rượu: Rượu có liên quan đến nguy cơ ung thư. Đàn ông không nên uống quá hai ly mỗi ngày, phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly.
Kiểm soát cân nặng để phòng bệnh
Có bằng chứng cho thấy thừa cân, một yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư, cũng làm tăng nguy cơ tái phát và giảm tỉ lệ sống sót.Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.