Nhiều người cho rằng ăn thịt đỏ làm cho khối u ung thư phát triển nhanh hơn nên hạn chế hoặc kiêng khem dẫn đến suy nhược, bác sĩ nói đây là sai lầm.
Ngày 6/8, bác sĩ Nguyễn Quỳnh Tú, khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết người bệnh ung thư tiêu thụ năng lượng rất lớn, nhu cầu tối thiểu 25-30 kcal/kg/ngày. Một số trường hợp có thể cần 40-50 kcal/kg/ngày. Trong đó, protein (đạm) chiếm 15-20% tổng năng lượng, riêng protein động vật chiếm 30-50% tổng nhu cầu đạm. Ngoài ra còn có lipid, glucid, vitamin, khoáng chất và chất xơ, cùng 2-3 lít mỗi ngày.
Nhiều người bệnh kiêng thịt đỏ và các thực phẩm giàu protid (như sữa, trứng…). Thực chất, theo bác sĩ Tú, protid là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Đây cũng là nguyên liệu bồi phụ lại khối cơ của cơ thể đã mất do quá trình dị hóa. Nó còn giúp tăng khả năng ngon miệng trong khi người bệnh luôn chán ăn, ăn uống kém.
Eicosapentaenoic Acid (EPA) là một acid béo không no chuỗi dài Omega-3 giúp cải thiện cảm giác ngon miệng. Bổ sung EPA làm ức chế các cytokine gây viêm, giảm rối loạn chuyển hóa trong hội chứng suy mòn. Dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, giàu protid, người bệnh không bị suy kiệt.
Vì vậy, người bệnh ung thư nên sử dụng đa dạng thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua; nên ăn thịt màu trắng, còn thịt màu đỏ thì ăn lượng 100 g/ngày.
Dùng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng). Ăn nhiều rau xanh, quả chín nhiều chất xơ. Bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, dầu oliu. Thực phẩm giàu vitamin E, C, A, selen có khả năng chống oxy hóa như cà rốt, giá đỗ, cà chua, rau ngót, cũng phù hợp với người bệnh.
Hạn chế hoặc không nên dùng thực phẩm chế biển ở nhiệt độ cao, cháy; món chế biến sẵn, đóng gói như lạp sườn, xúc xích, thịt nguội. Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Ăn giảm muối. Không dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.
Không dùng thức ăn bị hư hỏng như mốc do chứa chất gây ung thư, ví dụ aflatoxin (gây ung thư gan) và nitrosamin. Nhiều loại phẩm màu và chất gây ngọt cũng có khả năng gây ung thư.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.