Nghiên cứu mới: Tế bào miễn dịch T chống ung thư sẽ ‘kiệt sức’ trong vòng vài giờ sau lần đầu gặp khối u

Theo nghiên cứu mới, ở bệnh nhân ung thư, các tế bào miễn dịch T chống ung thư sẽ ‘kiệt sức’ trong vòng vài giờ sau lần đầu gặp khối u, vì vậy mà tế bào ung thư vẫn phát triển không kiểm soát.

Một trong những chức năng chính của hệ miễn dịch là phát hiện và loại bỏ các mầm bệnh ngoại lai như vi khuẩn và virus. Các tế bào miễn dịch như tế bào T phân biệt các loại protein khác nhau trong tế bào, nhờ đó phát hiện mầm bệnh.

Một loại tế bào T đặc biệt có thể nhận diện các protein đột biến trên tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, ở hầu hết bệnh nhân ung thư, các tế bào ung thư vẫn phát triển không kiểm soát dù có sự hiện diện của tế bào T, vậy nguyên nhân do đâu?

Lời giải thích hiện tại của các nhà khoa học nguyên do các tế bào T không thể loại bỏ các tế bào ung thư là do chúng trở nên “kiệt sức”. Ban đầu, tế bào T hoạt động tốt khi lần đầu “chạm trán” với tế bào ung thư, nhưng dần dần mất khả năng tiêu diệt tế bào ung thư sau quá nhiều lần “đối đầu”.

Nghiên cứu mới: Tế bào miễn dịch T chống ung thư cạn kiệt trong vòng vài giờ sau lần đầu gặp khối u – Ảnh 2.

Tế bào T (màu xanh nước biển) tấn công một tế bào ung thư (màu xanh lá cây) bằng cách giải phóng chất gây độc (màu đỏ) để tiêu diệt tế bào ung thư. (Nguồn ảnh: Viện Y học Sức khỏe Quốc gia Mỹ).

Liệu pháp miễn dịch ung thư như chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và liệu pháp tế bào CAR-T tỏ ra hứa hẹn trong việc thuyên giảm căn bệnh nan y này. Tuy nhiên, liệu pháp này thường không tạo ra phản ứng lâu dài ở hầu hết bệnh nhân ung thư và sự “kiệt sức” của tế bào T là nguyên nhân chính.

Trong nghiên cứu xác định cơ chế kiểm soát hiệu quả hoạt động của các tế bào T chống lại khối u, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, các tế bào T trở nên “kiệt sức” trong vòng vài giờ sau khi gặp các tế bào ung thư.

Thời gian tế bào T mất đi hiệu nghiệm
Vào thời điểm hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hệ miễn dịch của họ đã chống lại các tế bào ung thư đang tiến triển trong nhiều tháng đến nhiều năm.

Nhóm nghiên cứu muốn quay ngược thời gian nhằm tìm hiểu điều gì xảy ra khi tế bào T lần đầu “chạm trán” với tế bào khối u.

Khi theo dõi chuột nhiễm khuẩn Listeria, các nhà nghiên cứu nhận thấy các tế bào T phát huy chức năng cao trong việc loại bỏ các tế bào nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, trong thí nghiệm trên chuột mắc ung thư gan, các nhà nghiên cứu nhận thấy tế bào T rối loạn chức năng 6-12 giờ sau khi gặp tế bào ung thư, bao gồm hàng nghìn thay đổi trong cấu trúc di truyền và biểu hiện gene.

Trong thí nghiệm, các tế bào miễn dịch T trong khối u ung thư đã bị thay đổi ADN tới mức 5 ngày sau khi được lấy ra khỏi khối u và cấy ghép vào những con chuột không có khối u, các tế bào T này vẫn bị rối loạn chức năng.

Theo nghiên cứu, nhìn chung tế bào T có thể bị chặn ngay từ đầu khi “chạm trán” khối u. Đó là do các tín hiệu tiêu cực tế bào ung thư truyền ra môi trường xung quanh gây rối loạn chức năng tế bào T. Lúc này, tế bào T không nhận diện được tình trạng viêm nhiễm để kích hoạt chức năng miễn dịch.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu chiến lược nhằm giúp tế bào T diệt tế bào ung thư hiệu quả như thể khi đang bị nhiễm khuẩn. Nếu có thể kích hoạt tế bào T hoạt động hiệu quả như khi diệt mầm bệnh vi khuẩn, hy vọng tế bào T có thể diệt tế bào ung thư hiệu quả.

Theo: suckhoedoisong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *