Mặc dù biết rõ ăn mặn không tốt cho sức khỏe, tuy nhiên thói quen ăn uống khiến nhiều người sử dụng nhiều muối, thực phẩm chứa muối. Theo chuyên gia, điều này không tốt cho dạ dày, có thể gây ung thư dạ dày.
Nhiều người ăn muối gấp 2-3 lần lượng khuyến nghị của WHO
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành không ăn quá 5 g muối mỗi ngày. Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính 5 g muối tương đương với 1 thìa cà phê đầy muối, 8 g bột canh (bằng 1,5 thìa cà phê đầy), 11 g hạt nêm (bằng 2 thìa cà phê đầy), 25 g nước mắm (bằng 2,5 thìa ăn cơm), 35 g xì dầu (bằng 3,5 thìa ăn cơm), lượng gia vị mặn trong 1 gói mì ăn liền. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người ăn lượng muối vượt quá lượng khuyến nghị này.
Chị Võ Thị Phượng (32 tuổi, TP.Thủ Đức) cho biết gia đình chị có 4 người, trung bình một tháng ăn hết một gói muối 1 kg, chưa kể các loại gia vị chứa muối khác như hạt nêm, nước mắm, xì dầu và các thực phẩm muối, chứa muối trên thị trường. Như vậy chỉ tính riêng lượng muối ăn, mỗi người trong gia đình chị Phượng tiêu thụ 8,3 g muối.
“Nếu tính thêm cả các gia vị khác và các thực phẩm chế biến sẵn có thành phần natri thì ước lượng một người trong gia đình tôi ăn khoảng 10-12g muối. Dù biết ăn muối nhiều có hại nhưng thói quen gia đình nấu ăn có phần đậm đà nên khi nấu nhạt rất khó ăn”, chị Phượng chia sẻ.
Tương tự cô Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết trong gia đình có người bệnh cao huyết áp nên bác sĩ cũng khuyên nên ăn nhạt. Tuy nhiên khi nêm nhạt thì rất khó ăn.
“Mặc dù đã cố gắng nấu nhạt, ướp ít muối, nêm ít muối nhưng đến bữa ăn vì nhạt quá nên phải có thêm chén nước mắm để chấm hoặc chan vào canh. Do đó muối không hết nhiều nhưng rất hao nước mắm. Không nhớ chính xác ăn bao nhiêu muối mỗi người, nhưng nhà có 5 người thì bình quân tháng cũng hết 2/3 bao muối trắng, 1 hũ muối tôm, 2 chai nước mắm 0,5 lít, 1 gói hạt nêm…”, cô Hồng chia sẻ.
Theo khảo sát của Cục Y tế dự phòng, thói quen nấu ăn của người Việt cho thấy 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn; 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mỳ ăn kiền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả…).
Cũng theo kết quả khảo sát, lượng muối được người Việt tiêu thụ trung bình 9,4 g mỗi ngày gấp đôi lượng khuyến nghị của WHO là không quá 5 g mỗi ngày.
Các thực phẩm chứa nhiều muối là nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Chia sẻ với Thanh Niên, Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đã có nhiều bằng chứng mạnh mẽ, đặc biệt là các nghiên cứu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy các thực phẩm chứa nhiều muối là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.
Cũng khá giống với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều loại thực phẩm của người Việt chúng ta cũng được bảo quản bằng cách muối và lên men. Chính cách bảo quản như vậy làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở những người tiêu thụ các thực phẩm này.
Các thói quen khác cũng có hại cho dạ dày là hút thuốc lá, uống rượu, ăn quá nhanh, ăn lượng quá nhiều trong cùng bữa ăn, ăn uống không điều độ, bỏ bữa… Thừa cân béo phì cũng tạo áp lực lên dạ dày, có thể dẫn đến trào ngược dạ dày.
Theo: thanhnien.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.