Báo động ‘đại dịch thầm lặng’ giết chết 10 triệu người/năm

Đến năm 2050, mỗi năm có khoảng 10 triệu người chết do thuốc kháng sinh không còn hiệu quả với vi rút, vi khuẩn và các mầm bệnh khác.

Bà Stella Kyriakides, ủy viên Liên minh châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm, phát biểu tại phiên họp “Đối mặt với một thế giới không có thuốc kháng sinh” - Ảnh: FORTUNE

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại phiên họp của Diễn đàn Kinh tế thế giới về tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, thời điểm 2019, gần 1,3 triệu người tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh/năm, đến nay con số này đã tăng lên 5 triệu người. Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi mầm bệnh tự biến đổi về mặt di truyền và không còn đáp ứng với các loại thuốc được sử dụng để chống lại chúng. Theo tạp chí Fortune, hiện tại các bệnh nhiễm trùng đang trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được. Báo cáo cho thấy các bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc (MDR) và kháng thuốc rộng rãi (XDR), như viêm phổi, bệnh lao và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đang gia tăng nhanh chóng. Ngoài thuốc dành cho con người, thuốc kháng sinh được thêm vào thức ăn nông nghiệp nhằm giữ cho vật nuôi khỏe mạnh cũng vô tình thúc đẩy AMR. Trên thực tế, hơn một nửa số thuốc kháng sinh sản xuất ở Mỹ được sử dụng trong nông nghiệp, theo Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm AMR giết chết nhiều người hơn cả HIV và sốt rét.

Trên thực tế, đây là căn bệnh nguy hiểm thứ ba trên thế giới so với các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau COVID-19 và bệnh lao. Theo tuyên bố vào tháng 11-2023 của WHO, quá trình nghiên cứu lâm sàng các loại thuốc chống vi trùng mới “gần như cạn kiệt”. Bà Stella Kyriakides – ủy viên Liên minh châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm – gọi vấn đề này là “đại dịch thầm lặng trong thời kỳ COVID-19”. Bà Helen Clark – cựu thủ tướng New Zealand và cựu quản lý của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc – nói: “AMR có thể im lặng, nó đang rình rập chúng ta, nhưng rõ ràng là nó ở đó và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người”.

Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đi kèm một cái giá kinh tế khổng lồ, có thể lên tới 100.000 tỉ USD hoặc hơn vào năm 2050, do các yếu tố như chi phí chăm sóc sức khỏe và năng suất bị giảm, chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *