Bà Tâm, 67 tuổi, 10 năm trước phát hiện khối u lành tính ở cổ, gần đây mệt mỏi, sụt cân, bác sĩ chẩn đoán u tiến triển thành ung thư tuyến giáp.
Lúc mới phát hiện khối u ở cổ (nhân giáp), bà Tâm không uống thuốc, không đi khám. Hai tháng nay bà sút 3 kg, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ ghi nhận khối u tuyến giáp của bà Tâm hiện kích thước 0,3×0,4×0,5 cm, mức độ nguy cơ ung thư đánh giá trên kết quả siêu âm TIRADS 5, nghi ngờ u ác tính. Kết quả sinh thiết cho thấy khối u tiến triển thành ung thư.
Ngày 19/1, BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư của bà Tâm chưa di căn, không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp nên chưa gây triệu chứng. Tình trạng sụt cân, mệt mỏi gần đây là do suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, khối u to, xâm lấn, người bệnh có thể khó thở, đau khi nuốt, thay đổi giọng, sụt cân, sưng ở phía trước cổ… Khối u di căn tới các cơ quan lân cận như phổi, xương, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp cho người bệnh. Sau phẫu thuật, sức khỏe ổn định, bà xuất viện sau ba ngày, cần tái khám để kiểm tra vết mổ và uống bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.
Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết của cơ thể, có hình cánh bướm và nằm phía trước cổ. Cơ quan này tiết hormone giúp cơ thể kiểm soát nhiệt độ, huyết áp và nhịp tim.
Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, với khoảng 5.470 ca mắc mới mỗi năm, khoảng 640 người tử vong.
Bác sĩ Mai cho biết ung thư tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, thường gặp hơn ở nữ giới 40-50 tuổi và nam giới 60-70 tuổi. Người bệnh thường không có triệu chứng, khi u lớn nhanh có thể có triệu chứng nuốt vướng, khàn giọng. Trường hợp muộn, u di căn đến các hạch lân cận, di căn xa các cơ quan như phổi, xương, não, triệu chứng rõ ràng hơn. Ung thư tuyến giáp là loại ung thư nội tiết có khả năng điều trị thành công, tỷ lệ sống sau 5 năm cao.
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm bướu cổ, tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp hoặc ung thư giáp, đột biến gen, thiếu iốt, béo phì, xạ trị ung thư đầu và cổ, tiếp xúc phóng xạ từ vũ khí hạt nhân hoặc nhà máy điện.
Bác sĩ Mai khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe tổng quát và khám chuyên Nội tiết – Đái tháo đường thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần, để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.