Có thể phẫu thuật ung thư vú khi mắc bệnh tiểu đường?

Tôi mắc bệnh tiểu đường 5 năm nay, vừa phát hiện ung thư vú giai đoạn hai. Tôi có được phẫu thuật không, nguy cơ biến chứng như thế nào?

Trả lời:

Tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa, trong đó lượng đường trong máu cao hơn so với bình thường, do cơ thể thiếu hụt insulin (hormone do tuyến tụy sản xuất) hoặc đề kháng insulin.

Người bệnh huyết áp cao làm lượng oxy cung cấp cho mô giảm, khiến vết thương chậm lành, nguy cơ cao nhiễm trùng. Bệnh không được kiểm soát dễ dẫn đến các biến chứng như suy thận mạn, bệnh thần kinh ngoại biên… cũng khiến vết thương chậm lành.

Chị có thể được phẫu thuật điều trị ung thư vú. Nếu đường huyết được kiểm soát tốt trước khi phẫu thuật thì cuộc mổ an toàn và tỷ lệ biến chứng sau mổ thấp. Phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư giống với người không mắc bệnh tiểu đường, gồm hóa trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp hormone.

Thông thường, mức HbA1C (đường huyết trung bình ba tháng) đạt 6,5-7% thuận lợi cho cuộc mổ. Nếu người bệnh ung thư không đạt mục tiêu này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc insulin điều trị tích cực để được phẫu thuật sớm nhất.

Người bệnh tiểu đường bị ung thư vú cần kiểm soát đường huyết ổn định trước phẫu thuật. Ảnh minh họa: Freepik

Người bệnh tiểu đường bị ung thư vú cần kiểm soát đường huyết ổn định trước phẫu thuật. Ảnh minh họa: Freepik

Trước phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường và khoa Ngoại Vú hội chẩn, đánh giá đường huyết. Người bệnh nhịn ăn khoảng 8 tiếng trước mổ dễ gây hạ đường huyết. Căng thẳng cũng khiến đường huyết tăng, giảm đột ngột, cần kiểm soát tình trạng này.

Trong quá trình mổ, người bệnh cần được kiểm soát các chỉ số huyết áp, nhịp thở và đường huyết liên tục để đảm bảo an toàn. Phụ nữ bị tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết sẽ được cân nhắc kỹ khi tái tạo vú. Bởi cuộc mổ kéo dài vết mổ rộng nên nguy cơ cao nhiễm trùng, tụ dịch.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần được kiểm soát các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau, tránh đường huyết dao động nhiều. Vết thương của người bệnh tiểu đường có thể lâu lành hơn. Bác sĩ phối hợp thuốc kháng sinh và thuốc điều trị tiểu đường tích cực (insulin) để vết thương nhanh lành.

Khi có các dấu hiệu sốt, vết mổ đỏ, nóng, sưng tấy, đau hơn bình thường hoặc rỉ dịch, người bệnh cần đến bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường và Ngoại vú khám để điều chỉnh chế độ ăn uống và thuốc phù hợp.

Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục, hạn chế căng thẳng, uống đủ nước và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Nếu có bất thường, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh kịp thời.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *