Tuân thủ phác đồ điều trị và giữ tinh thần lạc quan là ‘bí kíp’ giúp bà Lê Thị Liên (73 tuổi) chiến thắng căn bệnh ung thư trực tràng. Ở tuổi này, cụ bà khỏe khoắn, thích đi du lịch, tham gia các buổi sinh hoạt.
Tin tưởng tuyệt đối phác đồ điều trị, không suy nghĩ bi quan
Buổi sinh hoạt định kỳ lần thứ 16 “Dinh dưỡng và niềm tin trong cuộc chiến chống ung thư” ở Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) ngày 7-3 đã thu hút nhiều bệnh nhân nữ mắc các bệnh ung thư đang và từng điều trị tại bệnh viện.
Các bệnh nhân được lắng nghe tình hình ung thư tại Việt Nam và trên thế giới, việc bổ sung dinh dưỡng đúng cách và cách tạo niềm tin, động lực trong quá trình điều trị bệnh.
Có mặt tại buổi sinh hoạt, bà Lê Thị Liên (73 tuổi, ngụ phường Phước Bình, TP Thủ Đức) khiến nhiều người ngỡ ngàng khi ở độ tuổi xế chiều nhưng rất khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng, nói năng lưu loát dù từng mắc bệnh ung thư trực tràng ác tính và được mổ vào cuối năm 2016.
Bà Liên cho biết mình tự bắt xe buýt đến Bệnh viện TP Thủ Đức tham gia buổi sinh hoạt cùng các bệnh nhân ung thư. Chưa buổi sinh hoạt nào bà bỏ lỡ vì tại đây bà học được nhiều kiến thức bổ ích và muốn lan tỏa năng lượng tích cực, truyền động lực cho những ai không may mắc bệnh ung thư như mình.
Bà Liên chia sẻ vào thời điểm hay tin mắc bệnh ung thư trực tràng, bà cũng khủng hoảng, suy sụp nhưng đã nhanh vực dậy tinh thần vì được các con cùng đội ngũ y bác sĩ quan tâm, chăm sóc tận tình.
“Biểu hiện đầu tiên tôi gặp phải là táo bón. Tôi được mọi người mách ăn, uống lá này lá nọ, thậm chí thụt tháo đại tràng. Lúc này tôi cũng chưa biết mình mắc bệnh ung thư. Đây là sai lầm đầu tiên của tôi. Đến khi tôi ăn mắm tôm và chao thì bị đau quằn quại, được con đưa đến bệnh viện mới hay mình mắc bệnh ung thư và từ đó chỉ tuân thủ theo bác sĩ, không nghe lời ai khác”, bà Liên nhớ lại.
Nhờ tin tưởng tuyệt đối và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ (1 lần phẫu thuật và dùng 6 toa thuốc), đặc biệt là giữ tinh thần ổn định, không suy nghĩ bi quan đã giúp bà Liên dần chiến thắng bệnh hiểm nghèo. Hiện mỗi năm bà chỉ đến bệnh viện tái khám một lần.
Dù ở tuổi 73, bà Liên vẫn nuôi dưỡng sở thích gặp gỡ bạn bè, đi chơi, đi du lịch, có thời điểm một mình bà tự qua Mỹ thăm con khi được bác sĩ đồng ý.
Trước thềm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, bà Liên nhắn gửi các bệnh nhân ung thư: “Chị em mắc bệnh ung thư cứ lạc quan, tin tưởng phác đồ điều trị của bác sĩ, không có gì bi quan thì sẽ vượt qua bệnh tật. Bây giờ tôi đã 73 tuổi nhưng nhiều người nghĩ tôi chỉ trên 60 tuổi và ngỡ ngàng hơn khi hay tin tôi từng mắc bệnh ung thư”.
Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Vũ Trí Thanh cũng gửi lời chúc đến các nữ bệnh nhân luôn trẻ trung, mạnh mẽ, chiến thắng và vượt qua bệnh tật.
Điều trị ung thư cần phối hợp nhiều phương pháp
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – trưởng khoa ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức – cho hay bệnh ung thư là một vấn đề sức khỏe quan trọng với gánh nặng bệnh tật lớn, nhiều người mắc, tỉ lệ tử vong và thương tật cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh không lây gây 41 triệu người tử vong, chiếm 74% tổng số tử vong. Các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh không lây thường gặp là thuốc lá, lười vận động, rượu bia và chế độ ăn không hợp lý.
Cùng chung tình hình thế giới, bệnh ung thư tại nước ta tăng theo thời gian, trong đó ung thư vú, phổi, gan, đại trực tràng nằm trong nhóm có tỉ lệ mắc và tử vong cao nhất. Bác sĩ Vũ nhấn mạnh việc điều trị bệnh nhân ung thư cần phối hợp nhiều phương pháp gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch, nhắm trúng đích. Việc chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp những triệu chứng và nỗi khổ của bệnh nhân và thân nhân, tăng chất lượng cuộc sống.
Hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ có thể được giải tỏa khỏi những gánh nặng về thể chất, tâm thần và tâm linh nhờ chăm sóc giảm nhẹ.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.