Biến chứng mắt lồi do bệnh cường giáp

Tăng xuất hormone tuyến giáp không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến lồi mắt, nguy cơ cao biến chứng nhìn đôi, suy giảm thị lực vĩnh viễn.

Lồi mắt là tình trạng nhãn cầu lồi hoặc nhô ra hơn so với bình thường. Bệnh xảy ra do viêm mô tế bào quanh hốc mắt, chấn thương, khối u hoặc do bệnh cường giáp (tuyến giáp tiết quá nhiều hormone giáp).

ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh cường giáp do tự miễn có thể khiến hệ thống miễn dịch tấn công các cơ và mô mỡ xung quanh, phía sau mắt làm viêm, sưng dẫn đến lồi mắt. Bệnh suy giáp (tuyến giáp tiết ra ít hormone giáp hơn bình thường) cũng gây lồi mắt. Một số người có chức năng tuyến giáp bình thường cũng có thể bị mắt lồi nhưng hiếm gặp.

Dấu hiệu mắt lồi gồm phần lòng trắng của mắt lộ rõ, nhãn cầu đẩy về phía trước, khó thấy mí mắt trên do mắt to. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu khi di chuyển mắt, mắt khô, chảy nước mắt, mí mắt sưng hoặc đỏ, khó cử động mắt, nhạy cảm với ánh sáng, đau đầu, sốt, tầm nhìn đôi…

Trường hợp nặng, người bệnh khó nhắm mắt, tăng nguy cơ hỏng giác mạc do khô mắt. Giác mạc khô dễ nhiễm trùng hoặc loét, thời gian dài không được điều trị dẫn đến mất thị giác.

Mắt lồi khiến khó nhắm mắt, mắt khô dễ tổn thương giác mạc. Ảnh: Freepik

Mắt lồi khiến khó nhắm mắt, mắt khô dễ tổn thương giác mạc. Ảnh: Freepik

Người có dấu hiệu lồi mắt, mắc bệnh cường giáp nên đi khám mắt thường xuyên. Bác sĩ chuyên khoa Mắt kiểm tra mắt bằng đèn khe phóng to bề mặt cấu trúc mắt nhằm đánh giá chuyển động của mắt và mí mắt, kiểm tra vết đỏ, đau nhức, kích ứng nếu có.

Một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác như đo nhãn cầu để đo khoảng cách nhãn cầu nhô ra khỏi hốc mắt, xét nghiệm máu kiểm tra có bệnh tuyến giáp hay không. Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc CT (cắt lớp vi tính) có thể được chỉ định để kiểm tra chảy máu, khối u nếu có…

Bác sĩ Tùng cho biết điều trị lồi mắt tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và tình trạng bệnh. Hầu hết người bệnh được dùng thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm khô mắt bảo vệ giác mạc. Thuốc kháng sinh được chỉ định khi nhiễm trùng, thuốc kháng giáp cho người mắc bệnh do nguyên nhân cường giáp. Người bệnh lồi mắt do bệnh tuyến giáp được tiêm corticosteroid hoặc teprotumumab tĩnh mạch.

Các liệu pháp điều trị khác bao gồm điều trị chứng nhìn đôi bằng gắn lăng kính vào kính mắt để chuyển hướng ánh sáng đi vào mắt. Dùng thuốc ức chế miễn dịch làm giảm tác động do bệnh tự miễn.

Bác sĩ Tùng khuyên người có bệnh tuyến giáp như cường giáp, suy giáp… nên uống thuốc đúng liều, đều đặn theo hướng dẫn, tránh bỏ thuốc, bỏ điều trị. Xét nghiệm và theo dõi mức hormone tuyến giáp thường xuyên. Tránh khói thuốc lá thụ động, không hút thuốc vì có thể khiến kết quả điều trị không tốt.

Khám mắt định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm, khi phát hiện mắt có dấu hiệu bất thường cần sớm kiểm tra.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *