Bướu cổ lành tính khi nào cần mổ?

Bướu cổ là bệnh lý tuyến giáp phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc. Bướu cổ được chia làm ba nhóm là: bướu cổ lành tính, ung thư và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp, trong đó bướu cổ lành tính là hay gặp nhất.

Các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng, nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ hay bướu cổ nghi ngờ ung thư… gây ảnh hưởng nặng nề thì sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bướu.

Đơn cử như bệnh nhân N. (57 tuổi, ở Cao Bằng) được chẩn đoán mắc basedow 10 năm nay và đang điều trị theo đơn thuốc tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, chị N. thấy cổ to dần, đặc biệt cổ to nhanh trong khoảng 1 năm nay khiến chị luôn cảm thấy mệt mỏi, nuốt khó, vướng nghẹn, gầy sút cân. Chị N. đã cùng người nhà đi khám và được chuyển viện xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại đây, sau khi chị N. được các bác sĩ thăm khám và tiến hành các chỉ định cận lâm sàng cho kết quả: siêu âm kích thước thùy trái và thùy phải đều rất to, kích thước khoảng 128x110x98mm, nhu mô nhiều khối tỷ trọng hỗn hợp, giới hạn khối không đều, có vôi hóa nhỏ, kích thước khối lớn nhất là 100x85mm. Chị N. được chẩn đoán basedow – bướu giáp khổng lồ và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

Bướu cổ lành tính có nên mổ không và khi nào cần mổ? - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật cho những ca bệnh có bướu giáp lớn như trường hợp của chị N.

Đối với những trường hợp này việc tiến hành phẫu thuật phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng vì sẽ gây khó khăn cho việc đặt nội khí quản trong quá trình gây mê. Đặc biệt khối u có kích thước quá lớn, rất khó bóc tách, các mạch máu trong u nhiều, quá trình bóc rất dễ chảy máu. Bên cạnh đó, xung quanh có các mạch máu lớn, thần kinh, khí quản, thực quản… nên việc bóc tách dễ gây tổn thương và biến chứng.

Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phẫu thuật không phức tạp tuy nhiên nếu để muộn, khối u tăng trưởng kích thước lớn hoặc thòng trung thất thì phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tai biến. Vì vậy bệnh nhân có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn, hoặc có biểu hiện chèn ép, khàn tiếng… nên thường xuyên tới các cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra sức khỏe, khi thấy có các dấu hiệu bất thường sẽ được điều trị phẫu thuật sớm, hạn chế tai biến và biến chứng nguy hiểm.

Bướu cổ lành tính có nên mổ không và khi nào cần mổ? - Ảnh 2.

Tùy thuộc vào phân loại và mức độ bệnh, bướu cổ sẽ được các bác sĩ chỉ định điều trị thích hợp.

Các phương pháp trị bệnh bướu cổ

Mục tiêu của quá trình điều trị bướu cổ là nhằm giảm kích thước của bướu, giữ cho chức năng tuyến giáp ở trạng thái bình thường. Với từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào phân loại và mức độ bệnh, bướu cổ sẽ điều trị bằng một trong ba cách sau:

– Điều trị nội khoa: Sử dụng các thuốc nhằm đưa lượng hormone tuyến giáp về mức độ bình thường hoặc điều trị các nhiễm trùng tại tuyến giáp. Điều trị thuốc phải tuân thủ, đúng chỉ định đều đặn hàng ngày và được kiểm tra định lượng hormone qua các lần kiểm tra định kỳ.

– Xạ trị: Sử dụng iod phóng xạ có tác dụng làm giảm kích thước của tuyến giáp.

– Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp.

– Đốt sóng cao tần (RFA) là phương pháp hủy khối u bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao, nằm trong khoảng sóng âm thanh. Đốt sóng tần hiện đang được dùng rất hiệu quả trong điều trị bệnh lý tuyến giáp.

– Phương pháp tiêm cồn tuyệt đối dưới hướng dẫn siêu âm điều trị nang lành tính tuyến giáp được xem là phương pháp an toàn và dễ thực hiện. Với cơ chế cồn tuyệt đối làm hoại tử do đông máu và huyết khối tĩnh mạch nhỏ, gây mất nước tế bào và đông vón protein dẫn đến hoại tử tế bào. Nhờ đó tiêu diệt tế bào chế tiết dịch và xơ hóa mô tiếp xúc ethanol, thay thế vào đó là mô hạt, xơ hóa và co rút nhỏ lại của tổn thương.

Biểu hiện bướu cổ

Khi bướu nhỏ hầu như người bệnh không cảm nhận được, còn khi bướu lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản thì có thể có các biểu hiện sau:

• Vướng, đau cổ họng.

• Nuốt khó, nuốt đau.

• Khó thở, nói khàn.

• Hay ho và nghẹn.

• Thở dốc.

Về cơ thể, người mắc bệnh bướu cổ có thể cảm thấy:

• Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh

• Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân

• Lồi mắt

Trường hợp bướu to nằm ở sau xương ức có thể chèn ép trung thất trên gây phù ở mặt, chóng mặt, ngất.

Theo: suckhoedoisong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *