Bướu mỡ có nguy hiểm không?

Tôi có bướu mỡ ở cánh tay, sờ vào không đau, có nguy hiểm không?

Trả lời:

Bướu mỡ (còn gọi là u mỡ) là khối u mô mềm xuất hiện dưới da, có hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt trơn láng, bờ đều và đối xứng, thường lành tính. Ước tính tỷ lệ mắc bướu mỡ 1/1.000 người.

Nguyên nhân hình thành bướu mỡ vẫn chưa rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ liên quan bao gồm độ tuổi trung niên (40-60), từng bị chấn thương da, thành viên khác trong gia đình bị bướu mỡ…

Người mắc các bệnh lý như bệnh Dercum (rối loạn hiếm gặp khiến các bướu mỡ phát triển, gây đau), hội chứng Gardner (một biến thể của bệnh đa polyp tuyến gia đình), bệnh Madelung (thường gặp ở nam giới nghiện rượu)… cũng dễ mắc bướu mỡ.

Bướu mỡ di động có thể chạm vào hoặc tác động nhẹ, thường không đau, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, phổ biến nhất là lưng, thân, cánh tay, cổ, vai, trán. Một số trường hợp hiếm bướu hình thành ở các cơ quan như nội tạng, cơ hoặc xương.

Mặc dù được gọi là khối u nhưng bướu mỡ phát triển chậm, không có khả năng tiến triển thành ung thư (khối u ác tính). Bướu mỡ có thể đạt kích thước khoảng 2-3 cm sau vài tháng hoặc vài năm tùy từng trường hợp. Một số bướu mỡ có thể đạt kích thước lớn hơn 10 cm.

Bướu mỡ thường không gây ra triệu chứng khó chịu và không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Chỉ một số ít trường hợp bướu chèn ép dây thần kinh hoặc phát triển ở gần khớp dẫn đến đau nhức. Phần lớn người bệnh không cần điều trị, chỉ theo dõi.

Bướu mỡ là khối u lành tính, có thể không cần can thiệp, chỉ theo dõi. Ảnh: Freepik

Bướu mỡ là khối u lành tính, có thể không cần can thiệp, chỉ theo dõi. Ảnh: Freepik

Để xác định chính xác có phải bướu mỡ, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Ung bướu khám và làm xét nghiệm (nếu cần). Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị bướu mỡ thường được áp dụng là phẫu thuật lấy bướu. Phẫu thuật có thể được chỉ định khi bướu mỡ ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, gây đau nhức hoặc có dấu hiệu nghi ngờ ác tính. Một phương pháp điều trị khác là hút mỡ trong khối u và bơm deoxycholate (một loại muối mật, giúp giảm tích tụ mỡ). Phương pháp hút mỡ này chưa được nghiên cứu nhiều và chưa được ứng dụng rộng rãi.

Theo: vnexpress.net

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *