Hầu hết người bệnh sỏi túi mật không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe. Việc cắt túi mật khiến nhiều người lo lắng liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Túi mật có hình quả lê, nằm ở mặt dưới gan. Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật được gan tiết ra. Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ; túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
Sỏi túi mật có 2 dạng: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Kích thước sỏi có thể nhỏ vài milimet hoặc lớn vài centimet, có hình tròn, bầu dục hoặc nhiều hình dạng khác tùy theo cấu tạo. Số lượng có thể từ 1 đến hàng trăm viên. Sỏi túi mật có thể gặp ở bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.
Triệu chứng sỏi túi mật
Các triệu chứng của sỏi túi mật bao gồm đau bụng với các tính chất:
- Đau quặn từng cơn riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Đau ở vùng bụng trên phải dưới bờ sườn hoặc ở thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau lan ra sau lưng và lên vai phải
- Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm làm cho bệnh nhân thức giấc.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau lưng, buồn nôn và nôn, đầy bụng khó tiêu, chán ăn, sợ mỡ.
Chẩn đoán sỏi túi mật
Chẩn đoán sỏi túi mật dựa vào các triệu chứng lâm sàng kể trên và các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó siêu âm ổ bụng là phương tiện hữu hiệu để chẩn đoán sỏi túi mật. Khả năng chẩn đoán đúng sỏi túimật của siêu âm là 90-95%.
Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ có ý nghĩa trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi mật mà siêu âm không thể khẳng định được.
Điều trị sỏi túi mật
Tùy từng loại sỏi mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp, cụ thể.
– Sỏi túi mật không có triệu chứng: Có thể không cần điều trị. Vì trong thực tế sỏi thường được phát hiện ngẫu nhiên và người mang sỏi đã chung sống với sỏi nhiều năm không triệu chứng. Tuy nhiên, từ các nghiên cứu theo dõi diễn biến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, một số trường hợp cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa:
+ Bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10 mm, đường kính sỏi lớn hơn 25 mm…
+ Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có sỏi túi mật nên can thiệp phẫu thuật điều trị chủ động trước khi mang thai, để đề phòng túi mật viêm đúng vào thời kỳ mang thai sẽ làm cho việc điều trị trở nên rất phức tạp, đặc biệt nếu phải can thiệp phẫu thuật cắt túi mật ở giai đoạn này.
– Sỏi túi mật có triệu chứng có 2 phương thức điều trị: Không phẫu thuật và phẫu thuật.
* Điều trị không phẫu thuật:
+ Uống thuốc tan sỏi;
+ Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động, làm tan sỏi và lấy sỏi qua da;
+ Lấy sỏi túi mật qua nội soi. Kết quả điều trị của các phương pháp này rất hạn chế, khả năng làm sạch sỏi không cao, nhiều tai biến và biến chứng nguy hiểm.
Khi sỏi chưa được lấy hết, vẫn còn nằm trong túi mật thì bệnh vẫn chưa khỏi và dễ tiến triển thành các biến chứng như viêm đường mật, viêm túi mật cấp, viêm gan cấp, viêm tụy cấp.v.v., nặng hơn là thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật đe dọa tử vong.
Thêm vào đó, khi uống thuốc tan sỏi cũng có nhiều tác dụng phụ gây hại cho gan, tim, thận, thậm chí là ngộ độc. Đặc biệt là hiện nay có rất nhiều quảng cáo về thuốc “tan sỏi mật” không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Ngoài ra, các phương thức điều trị này đều có chung đặc điểm là để lại túi mật, là nơi sẽ tạo sỏi trong tương lai, do đó khả năng tái phát rất cao. Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội gan mật tụy Quốc tế (IHBPA), nếu để lại túi mật thì tỷ lệ sỏi tái phát sau 3 năm là 62% và sau 5 năm lên tới 91%. Điều này khiến bệnh nhân phải điều trị nhiều lần gây tốn kém về thời gian và chi phí.
* Điều trị phẫu thuật:
Hiện tại, điều trị cho sỏi túi mật là phẫu thuật cắt túi mật nội soi. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: điều trị triệt để sỏi túi mật, chắc chắn không tái phát, tính thẩm mỹ cao với chỉ 3 đến 4 vết rạch da nhỏ từ 0.5 đến 1cm trên thành bụng để đưa dụng cụ phẫu thuật.
Kỹ thuật này là can thiệp tối thiểu với thời gian phẫu thuật trung bình 15-40 phút, thời gian nằm viện sau mổ 3-5 ngày, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Điều đáng lưu ý là phẫu thuật khi túi mật không viêm dễ hơn, bệnh nhân lành bệnh nhanh, ra viện sớm hơn nhiều khi túi mật đã viêm nhiều lần. Do đó khi đã có triệu chứng, bệnh nhân cần đến viện sớm để phẫu thuật, tránh tự ý dùng thuốc, vừa khiến bệnh nặng thêm, vừa gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Cắt túi mật có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Sau cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không là câu hỏi hầu hết người bệnh đều lo lắng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật cắt túi mật, bệnh nhân không cần phải dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa vì gan vẫn tiết ra dịch mật đầy đủ.
Khả năng ăn uống, làm việc, học tập không có gì thay đổi so với ban đầu. Bệnh nhân có thể trở lại ngay với hoạt động sinh hoạt bình thường sau khi ra viện.
Một số ít trường hợp có chậm tiêu với thức ăn nhiều chất béo, trứng. Vì vậy, tốt nhất là sau mổ bệnh nhân nên hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo, trứng trong vòng 1 tháng để cơ thể kịp điều chỉnh dự trữ dịch mật.
Theo: suckhoedoisong.vn