U tuyến tùng là dạng u não, gây nên các triệu chứng như đau đầu, ói mửa, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhìn, đau sau gáy…; cần thăm khám sớm.
Tuyến tùng là một tuyến nội tiết nhỏ, nằm ở giữa hai bán cầu, gần trung tâm não bộ. Nhiệm vụ chính của tuyến tùng là tạo ra melatonin điều chỉnh nhịp sinh học của con người.
Theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), trong số các ca u não thì u tuyến tùng chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng dưới 1% và thường gặp nhiều hơn ở người châu Á. U tuyến tùng có thể lành tính hoặc ác tính (ung thư). Khối u nằm ở vùng tuyến tùng có thể gây chèn ép các vùng xung quanh như cống não, tiểu não, não thất 3, cuống não trên, hố sau… Hậu quả là dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau.
Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến cảnh báo nguy cơ mắc khối u vùng tuyến tùng, theo bác sĩ Tấn Sĩ.
Tăng áp lực nội sọ: Khối u tắc nghẽn dòng chảy của nước não tủy làm tăng áp lực trong sọ dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, rối loạn nhịp thở, đau đầu… Nhiều người thường nhầm lẫn các triệu chứng này với các bệnh lý như ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn nhìn: Người bệnh có khối u tại vị trí tuyến tùng thường có biểu hiện rối loạn nhìn, dẫn đến tình trạng nhìn mờ, khó ngước mắt lên trên, mất tập trung hai nhãn cầu.
Các dấu hiệu khác: Khối u chèn ép xung quanh vùng tuyến tùng có thể gây khó tập trung, thay đổi tính cách, đau sau gáy, đau lưng, mất khả năng phối hợp động tác, rối loạn nội tiết… Khi bệnh chuyển nặng, khối u ác tính có thể dẫn đến suy giảm tri giác, hôn mê.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết thêm, nếu người bệnh có các triệu chứng kể trên thì nên sớm thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để kịp thời phát hiện và có hướng điều trị phù hợp. Vì khối u tuyến tùng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tổng quát, hỏi thăm về tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, kiểm tra thần kinh để đánh giá khả năng phản xạ, chuyển động của mắt, chức năng vận động, cảm giác, sự phối hợp và thăng bằng.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong trường hợp nghi ngờ có khối u ở vùng tuyến tùng. Trong đó, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp điện toán (CT-Scan) và thăm dò định lượng AFP, HCG, sinh thiết là phổ biến và quan trọng nhất.
Tùy theo bản chất và kích thước khối u, tình trạng sức khỏe người bệnh, các bác sĩ thần kinh sẽ cân nhắc phương pháp điều trị thích hợp. Nếu khối u lành tính, người bệnh có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Với khối u ác tính, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị hoặc kết hợp các biện pháp khác nhau. Trường hợp khối u não làm tăng áp lực nội sọ và dẫn đến não úng thủy, bác sĩ sẽ nội soi mở thông sàn não thất hoặc dẫn lưu não thất và ổ bụng.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.