Bệnh ung thư dạ dày thường diễn biến âm thầm nên khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn. Vì vậy, hiểu rõ về biểu hiện của bệnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán kịp thời để có phương pháp chữa trị đúng cách.
Phân tích về nguyên nhân gây ung thư dạ dày, TS Phạm Gia Anh – trưởng khoa ung bướu và xạ trị (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), cho biết vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) được coi là một trong số nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
Nguyên nhân khác là các tổn thương tiền ung thư: viêm teo niêm mạc dạ dày, loạn sản niêm mạc dạ dày hoặc do thói quen sinh hoạt ăn các loại thức ăn có chứa nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày (tăng 60% ở nam giới và 20% ở nữ giới).
Bên cạnh đó, ung thư dạ dày có liên quan đến một số hội chứng di truyền, đột biến gene. Nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 1,5 – 3 lần ở những người bệnh có người thân mắc ung thư dạ dày.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác cũng đóng vai trò hình thành ung thư dạ dày: béo phì, viêm miệng nối sau cắt dạ dày, người lao động phơi nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, khí chứa ni tơ, bức xạ…
Theo bác sĩ Gia Anh, các triệu chứng của ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường mơ hồ, không rõ ràng, nhiều khi không có triệu chứng. Do đó để phát hiện sớm ung thư dạ dày cần khám kiểm tra sức khỏe định kỳ tầm soát ung thư.
Ở giai đoạn tiến triển ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng sau:
– Cảm giác đầy bụng, ăn uống khó tiêu kèm ợ hơi, ợ chua.
– Đau bụng là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày với biểu hiện đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Thời gian đầu có thể giảm sau khi ăn, sau đó có thể đau dai dẳng liên tục.
– Triệu chứng khác đó là nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen: Ung thư dạ dày có thể gây xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nôn máu hoặc đi ngoài phân đen. (Trường hợp chảy máu nhiều người bệnh có thể nôn ra máu cục, đi ngoài phân máu đỏ là một dấu hiệu nguy hiểm tính mạng cần can thiệp cấp cứu).
– Nuốt nghẹn: Khối u gần tâm vị hoặc đoạn nối tâm vị – thực quản có thể gây nuốt nghẹn.
Phòng ngừa ung thư dạ dày thế nào?
Theo các chuyên gia về sức khỏe, để phòng ngừa ung thư dạ dày cần:Hạn chế ăn đồ ăn mặn: Chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.
Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.
Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
Đặc biệt nên khám tầm soát ung thư dạ dày hằng năm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.